Học ngôn ngữ, nhất là với một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, đôi khi càng cố hiểu nó, ta càng mông lung. Tốt nhất là, người ta nói sao ta cũng làm vậy, là sự bắt chước, dập khuôn.
Có lúc mình bảo mấy bé học tiếng Nhật, ngôn ngữ qua mỗi thời kỳ đều có sự biến đổi. Dù là cùng một từ, nhưng ý nghĩa có thể khác nhau xa. Đừng bao giờ tỏ ra ngạc nhiên, đơn giản là vì, ngôn ngữ luôn mang tính ước định. Người ta quy định thế nào thì nó là vậy, thế thôi.
Có câu chuyện vui thế này. Mấy bạn học tiếng Nhật ở Việt Nam sang, cứ ngớ người ra, có những từ thầy dạy một kiểu, sang đây chẳng giống quái gì hết. Và ví dụ trong câu chuyện ở đây là từ Yabai.
Ra đường, mấy cô cậu thanh niên hở chút là “Yabaiiiiii”. Thấy có anh diễn viên đẹp trai xuất hiện cũng yabai, được tặng một con thú bông xinh đẹp cũng yabai. Rất ngộ nghĩnh. Thế mà thầy là bảo, yabai là nguy hiểm. Ơ kìa.
Rồi gần đây, từ “Yabai” còn xuất hiện trong ngữ cảnh thế này.
- 「あの店のランチやばいよね~」→ Bữa trưa ở cửa hàng kia chất đới!
- 「このラーメン、チャーシューの量やばくね?」→ Cái bát mì này nhiều xá xíu vãi!
Hơ hơ, nó lại mang ý nghĩa khen ngợi cơ đấy.
Trong quốc ngữ Nhật Bản, từ yabai là một động tính từ, được tính từ hoá. Dùng hoặc giải thích về một “tình huống có vẻ xấu”, “điều kiện bất lợi” bắt nguồn từ tình huống thực.
Học ngôn ngữ, muốn tăng thêm hứng thú thì hay biết thêm mấy thứ râu ria chút. Kể cho các bạn nghe câu chuyện này. Lịch sử từ Yabai.
Và cái gì cũng thế, đều có lịch sử riêng của mình. Theo nghiên cứu, từ yabai xuất hiện từ thời kỳ Edo. Nguồn gốc của từ này hình như bắt nguồn từ tiếng lóng của những nhóm hội tội phạm.
“Yaba, yaba”, cách mà các tù nhân báo cho nhau sự xuất hiện của cai ngục.
Ở thời kỳ Edo, nói đến nhà tù hay phòng giam là nói tới nơi hiểm ác. Thời cổ đại mà, một nơi như vậy hẳn là kinh khủng rồi.
Nhưng nơi nguy hiểm đó, các tù nhân vẫn có thể có những hành động nguy hiểm khác. Ví dụ như đào hầm, đánh nhau… cái gì cũng lén lút. Và khi bất chợt có cai ngục mò tới, những tù nhân khác sẽ thông báo cho nhau “Yaba, yaba”.
Có một cách giải thích thế này, nếu viết yaba bằng chữ Kanji, nó sẽ thành「矢羽」. Có nghĩa là “mũi tên” trong bắn cung. Khi tên bắn đi, có nghĩa là sự nguy hiểm bắt đầu, và từ Yaba xuất hiện từ đó mà ra. Nên nó trở thành một tiếng lóng cho tù nhân. Kiểu như ở Hà Nội ngày xưa, mấy anh chị hay đánh xóc đĩa đầu đường, khi có công an tới, thế nào cũng có người gào lên “Ô tô, ô tô”. Haha. Tiếng lóng chỉ đơn giản là, nó mang nghĩa không hề giống với nghĩa thực của nó, để không ai có thể vặn vẹo gì cả.
Thời gian trôi đi, từ Yabai được chính thức hoá, mang ý nghĩa của sự nguy hiểm. Nhưng mà, giờ thì tốt hay xấu cũng được. Thử tưởng tượng xem, có điều gì xuất sắc, nổi bật xuất hiện, chắc chắn mấy bạn trẻ sẽ lại “Yabaiiiiiii”.
Dù sao thì, ý nghĩa bị biến tấu của yabai nhiều vào thời điểm này, phần lớn là vẫn nằm ở khẩu ngữ của các bạn trẻ thôi. Người lớn ít vậy. Thế cho nên, khi sử dụng, các bạn hãy chú ý xem người đối diện là ai đã nhé!
Ngộ ghê, ad còn tìm hiểu lịch sử của từ vựng cơ à :)) Cơ mà biết thêm tí 😀