Thành phố Hà Nội hiện có tổng diện tích gần 3.360km², gồm 30 đơn vị hành chính cấp quận/huyện (12 quận, 1 thị xã và 17 huyện), 526 đơn vị hành chính cấp phường/xã (160 phường, 21 thị trấn và 345 xã) với dân số thường xuyên sinh sống và tạm trú khoảng hơn 8,5 triệu người.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hà Nội sẽ giảm từ 526 đơn vị hành chính xuống còn 126 đơn vị: 47 đơn vị hành chính phường và 79 đơn vị hành chính xã.
Sáng 29/4/2025, tại kỳ họp thứ 22, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội với 126 xã, phường. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, phương án sắp xếp được thực hiện đã đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, tuân thủ pháp luật, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.
Đối với các đơn vị hành chính cấp xã dự kiến được thành lập theo phương án trình đã đảm bảo có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới phát triển, có tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, quy mô của các đơn vị hành chính cấp xã mới đã đảm bảo mục tiêu có quy mô phù hợp với khả năng quản lý và năng lực điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

QUY TRÌNH LẤY Ý KIẾN VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
Theo hướng dẫn của UBND TP Hà Nội, UBND cấp xã quyết định thành lập các tổ lấy ý kiến nhân dân theo địa bàn thôn, tổ dân phố hoặc theo khu vực. Tổ lấy ý kiến nhân dân có trách nhiệm nhận phiếu lấy ý kiến do UBND cấp xã cấp. Tổ trưởng phân công cho các thành viên đến các hộ gia đình phát phiếu lấy ý kiến cho cử tri đại diện hộ hoặc phát phiếu tại cuộc họp thôn, tổ dân phố hoặc khu vực để lấy ý kiến.
Căn cứ kết quả lấy ý kiến nhân dân và HĐND cấp cơ sở và cấp huyện; Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội thông qua chủ trương trước ngày 28/4. Trong ngày 29/4, UBND TP Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ, trình HĐND TP thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở mới.
Sau đó, UBND TP Hà Nội tổng hợp, hoàn thiện đề án, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định, hoàn thành trước ngày 1/5.
Tỷ lệ đồng thuận của người dân theo công bố
Về phương án sắp xếp, có 2.010.914 số phiếu đồng ý, đạt tỷ lệ 97,36%; ý kiến cử tri hộ gia đình về tên gọi dự kiến đơn vị sau sắp xếp đạt 1.987.829 phiếu đồng ý, tỷ lệ 96,28%; có 38 xã đạt tỷ lệ 100%. Kết quả trên được cho là thể hiện sự đồng thuận nhất trí cao của cử tri và nhân dân với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội năm 2025.
Tất cả 30/30 đại biểu HĐND các quận, huyện, thị xã đều đã đồng ý thông qua phương án sắp xếp. Tuy nhiên vẫn còn 2,41% số cử tri đại diện hộ gia đình không đồng ý với phương án về tên gọi của đơn vị hành chính sau sáp nhập (đơn vị có tỷ lệ cử tri đồng ý thấp nhất về tên gọi: huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thanh Trì đạt từ 82% đến dưới 93%).
Những đơn vị hành chính đặc biệt mới
Phường Hồng Hà: Phường đặc biệt nhất Hà Nội
Đáng chú ý, Hà Nội dự kiến sẽ hình thành một phường có nhiều yếu tố đặc biệt có tên là phường Hồng Hà. Theo phương án sắp xếp, phường Hồng Hà dự kiến được hình thành từ việc sáp nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích tự nhiên và dân số từ nhiều phường khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc địa bàn 5 quận gồm Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Hai Bà Trưng.
Phường Hồng Hà dự kiến có diện tích tự nhiên hơn 16km², quy mô dân số là hơn 126.000 người. Đơn vị hành chính cơ sở Hồng Hà cũng sẽ bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số các phường Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) và Phúc Xá (quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ) và các phường Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng). Bên cạnh đó, phường Hồng Hà còn bao gồm một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ) và phường Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên).
Phường mang dấu ấn lịch sử – văn hóa
Trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường tại Hà Nội, 2 phường mới dự kiến được thành lập mang đậm dấu ấn lịch sử – văn hóa là phường Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) và phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm).
Phường Văn Miếu – Quốc Tử Giám được hình thành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Khâm Thiên, Văn Chương, Thổ Quan (quận Đống Đa); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Hàng Bột, Nam Đồng, Phương Liên – Trung Tự (quận Đống Đa), Điện Biên (quận Ba Đình), Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Du, Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng). Phường có diện tích khoảng 0,48km² và dân số hơn 17.200 người.
Phường Cửa Nam dự kiến được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Hàng Bông, Hàng Trống, Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm), Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng). Việc lựa chọn các tên phường này thể hiện định hướng giữ gìn bản sắc và tôn vinh giá trị văn hóa đô thị ngàn năm văn hiến.
Danh sách các xã, phường mới theo cấp quận, huyện
Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã tại các quận, huyện cụ thể như sau:
Các quận nội thành:
- Quận Hoàn Kiếm: Từ 18 phường giảm xuống còn 2 phường: Hoàn Kiếm, Cửa Nam
- Quận Hai Bà Trưng: Từ 20 phường còn 3 phường: Hai Bà Trưng, Bạch Mai và Vĩnh Tuy
- Quận Ba Đình: Từ 14 phường còn 3 phường: Ba Đình, Ngọc Hà và Giảng Võ
- Quận Đống Đa: Từ 21 phường còn 5 phường: Đống Đa, Láng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên và Văn Miếu – Quốc Tử Giám
- Quận Tây Hồ: Từ 8 phường còn 2 phường: Tây Hồ, Phú Thượng
- Quận Hoàng Mai: Từ 14 phường còn 7 phường: Định Công, Hoàng Liệt, Tương Mai, Hoàng Mai, Yên Sở, Vĩnh Hưng và Lĩnh Nam
- Quận Bắc Từ Liêm: Từ 13 phường còn 5 phường: Tây Tựu, Phú Diễn, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Thượng Cát
- Quận Nam Từ Liêm: Từ 10 phường còn 4 phường: Từ Liêm, Tây Mỗ, Đại Mỗ và Xuân Phương
- Quận Long Biên: Từ 14 phường còn 4 phường: Việt Hưng, Bồ Đề, Long Biên và Phúc Lợi
- Quận Cầu Giấy: Từ 8 phường còn 3 phường: Cầu Giấy, Nghĩa Đô và Yên Hòa
- Quận Thanh Xuân: Từ 11 phường còn 3 phường: Thanh Xuân, Khương Đình, Phương Liệt
- Quận Hà Đông: Từ 17 phường còn 5 phường: Hà Đông, Dương Nội, Yên Nghĩa, Kiến Hưng và Phú Lương












Các huyện ngoại thành:
- Huyện Đông Anh: Từ 23 xã, thị trấn còn 5 xã: Đông Anh, Thư Lâm, Phúc Thịnh, Thiên Lộc, Vĩnh Thanh
- Huyện Ba Vì: Từ 31 xã, thị trấn còn 8 xã: Quảng Oai; Vật Lại; Cổ Đô; Cẩm Đà; Suối Hai; Ba Vì; Yên Bài; Minh Châu
- Huyện Quốc Oai: Từ 16 xã, thị trấn còn 4 xã: Quốc Oai, Kiều Phú, Phú Cát và Hưng Đạo
- Huyện Thanh Oai: Từ 20 xã, thị trấn còn 4 xã: Bình Minh, Tam Hưng, Thanh Oai, Dân Hoà
- Huyện Phúc Thọ: Từ 18 xã, thị trấn còn 3 xã: Phúc Lộc, Phúc Thọ, Hát Môn
- Huyện Đan Phượng: Từ 16 xã, thị trấn còn 3 xã: Đan Phượng, Ô Diên, Thọ Lão
- Huyện Gia Lâm: Từ 17 xã, thị trấn còn 4 xã: Phù Đổng, Thuận An, Gia Lâm và Bát Tràng
- Huyện Chương Mỹ: Từ 30 xã, thị trấn còn 6 xã: Chương Mỹ, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Xuân Mai, Trần Phú, Hòa Phú
- Huyện Hoài Đức: Từ 20 xã, thị trấn còn 4 xã: Hoài Đức, Dương Hoà, Sơn Đồng, An Khánh
- Huyện Mê Linh: Từ 18 xã, thị trấn còn 4 xã: Mê Linh, Quang Minh, Yên Lãng, Tiến Thắng
- Huyện Phú Xuyên: Từ 23 xã, thị trấn còn 4 xã: Phú Xuyên, Phượng Dực, Chuyên Mỹ, Đại Xuyên
- Huyện Sóc Sơn: Từ 26 xã, thị trấn còn 5 xã: Sóc Sơn, Nội Bài, Kim Anh, Đa Phúc, Trung Giã
- Thị xã Sơn Tây: Từ 13 xã, phường còn 3 đơn vị: Sơn Tây, Tùng Thiện, Đoài Phương
- Huyện Thạch Thất: Từ 20 xã, thị trấn còn 5 xã: Thạch Thất, Tây Phương, Hạ Bằng, Hòa Lạc, Yên Xuân
- Huyện Thanh Trì: Từ 16 xã, thị trấn còn 5 xã: Thanh Trì, Nam Phù, Tân Triều, Ngọc Hồi và Đại Thanh
- Huyện Thường Tín: Từ 29 xã, thị trấn còn 4 xã: Thường Tín 1 (Nhị Khê), Thường Tín 2 (Quất Động), Thường Tín 3 (Chương Dương) và Thường Tín 4 (Hồng Vân)
- Huyện Ứng Hòa: Từ 29 xã, thị trấn còn 4 xã: Vân Đình, Ứng Thiên, Hòa Xá và Ứng Hòa
- Huyện Mỹ Đức: Từ 20 xã, thị trấn còn 4 xã: Phúc Sơn, Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hương Sơn

















Cơ cấu tổ chức và biên chế cho các đơn vị hành chính mới
Hà Nội dự kiến đơn vị hành chính cấp phường, xã mới sẽ có 4 phòng chuyên môn, gồm:
- Văn phòng HĐND và UBND
- Phòng Kinh tế (đối với xã), phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường)
- Phòng Văn hóa – Xã hội
- Trung tâm phục vụ hành chính công
Hà Nội đang tổ chức thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công tập trung, do vậy thành phố sẽ kiến nghị Trung ương xem xét tổ chức thêm một phòng chuyên môn thuộc UBND cấp cơ sở mới.
Dự kiến số lượng biên chế đơn vị hành chính cấp phường, xã mới không quá 40 cán bộ, công chức. Trong đó, tập trung cho công chức trực tiếp đảm nhiệm các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, công tác Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, công tác chính quyền.
Ngoài chỉ tiêu biên chế của Trung ương giao cho các đơn vị hành chính cấp cơ sở, Hà Nội sẽ kiến nghị Trung ương cho phép bố trí thêm hệ số k (từ 1,5 đến 2 lần) tính theo quy mô dân số và đặc điểm kinh tế – xã hội của thành phố.
Ý nghĩa và kết quả kỳ vọng
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội năm 2025 được thực hiện sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo các mục tiêu phát triển của Thủ đô.
Quy mô của các đơn vị hành chính cấp xã mới đã đảm bảo mục tiêu có quy mô phù hợp với khả năng quản lý, quản trị và năng lực, trình độ quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, tạo tiền đề để phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong giai đoạn mới; là cơ sở để thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cơ sở.