Câu chuyện đằng sau những đôi đũa

Câu chuyện đằng sau những đôi đũa

Nhớ ngày mình chuẩn bị về nước, cô giáo chủ nhiệm cũ mang tới tặng cho mình 2 đôi đũa, bọc trong một chiếc hộp rất đẹp. Lúc đó không hề nghĩ gì đâu, chỉ đơn giản đó là một món quà, và vì nó rất đẹp nên mình bày mãi trong tủ, không muốn đem ra dùng.

Rồi có lúc mình nghĩ, tại sao cô lại tặng đũa vậy? Vậy là mình thử tìm hiểu thử về nó. Hoá ra, ý nghĩa đằng sau những đối đũa không chỉ là sản phẩm chế tác đẹp, mà còn gắn với một phần của văn hoá Nhật Bản, hình ảnh của những người nghệ nhân tài ba nước Nhật. Chỉ khi thật sự quý nhau, người ta mới tặng đũa.

Ở Việt Nam, hay một số quốc gia khác, việc sử dụng đôi đũa có ý nghĩa quá thuần tuý với tính thực dụng của nó trong bữa ăn. Chỉ đến những năm gần đây, khi đời sống văn hoá cao lên, người ta mới chú trọng đến những đôi đũa đẹp bày trên mâm. Nhưng chỉ đến mức đó chứ không có gì hơn nữa. Còn với người Nhật thì khác lắm, họ đã đưa nó lên một tầm ý nghĩa mới, và kể cả cách dùng cũng thật sự là một câu chuyện, giống như các mà người Âu Mỹ sử dụng thìa, nĩa, dao.

Lịch sử của những đôi đũa Nhật Bản

Các đặt đũa truyền thống của người Nhật

Hầu như tất cả các nước Đông Á đều sử dụng đũa trong hơn hai nghìn năm nay. Đũa được phát minh ra bởi người Trung Quốc dưới thời nhà Chu. Sau một thời gian, công cụ này đã đi vào đời sống của nhiều nước khác có chịu ảnh hưởng bởi văn hoá và chính trị của Trung Quốc. Những quốc gia này bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Campuchia, Nepal, Myanmar và Thái Lan.

Người ta nói rằng, đũa đã được phát minh ra khoảng 9.000 năm trước. Theo một số nghiên cứu, đũa ban đầu được sử dụng để nấu ăn thay vì phục vụ trực tiếp trong việc ăn. Người Trung Quốc chỉ bắt đầu sử dụng đũa làm dụng cụ ăn trong thời nhà Hán, và chỉ trở thành chuẩn mực trong thời nhà Minh.

Ngày nay, một số nước châu Á sử dụng đũa làm dụng cụ ăn uống hàng ngày. Thiết kế của đũa thay đổi tùy theo quốc gia. Ở Nhật Bản, thông thường các đôi đũa phổ thông đều có rãnh vòng quanh ở đầu dưới, nhất là loại cho trẻ em. Những rãnh này được tạo ra để hỗ trợ rơi trượt thức ăn từ đũa. Hầu hết đũa ở Nhật Bản cũng thường nhọn và mảnh.

Rãnh vòng ở đầu đũa

Giống nhiều nước khác, những đôi đũa phổ thông tại Nhật Bản thường được làm bằng tre hoặc gỗ. Đặc biệt hơn chút sẽ có những đôi được sơn mài. Những thiết kế này lần đầu tiên được chế tác và sử dụng trong thời đại Yayoi, cách đây khoảng 2.000 năm. Được biết đến với tên gọi là Moribashi (盛り箸) trong tiếng Nhật, đũa sơn mài có nhiều loại khác nhau, tuỳ theo chúng được sản xuất.

Thành phố Obama nằm ở tỉnh Fukui được biết đến là nơi sản xuất chính của những đôi đũa truyền thống Nhật Bản. Những đôi đũa mà họ tạo ra có nhiều màu sắc khác nhau, với lớp phủ sơn mài tự nhiên. Những chiếc đũa này cũng được trang trí thường với xà cừ, có nguồn gốc từ bào ngư. Để đảm bảo độ bền cho đũa trong một thời gian dài, người ta còn chế tác từ vỏ trứng, nhằm tạo cho đũa một lớp áo giáp chống thấm nước cho đũa. Khá cầu kỳ.

Một loại đũa khác của Nhật Bản được gọi là Edo Kibashi (江戸木箸). Những người thợ thủ công ở Tokyo đã chế tạo loại đũa này từ thời Taisho, cách đây khoảng 100 năm. Được bào thủ công, những chiếc đũa này được làm bằng gỗ cao cấp, như gỗ mun, gỗ lim, gỗ phong, gỗ đàn hương đỏ và cây hộp Nhật Bản. Chúng cũng có các hình dạng khác nhau, cụ thể là hình ngũ giác, hình bát giác và hình lục giác, giúp người sử dụng dễ dàng cầm nắm. Nhưng cũng có đôi lại nhắm tới việc tránh làm ảnh hưởng đến bát hay món ăn, người thợ lại thiết kế nó với hình tròn.

Chưa hết, sự cầu kỳ còn làm người khác phải tròn mắt, người Nhật phân loại đũa, đặt tên cho chúng.. Đũa dùng để nấu ăn được gọi là Ryoribashi (料理箸), còn đũa để chuyển thức ăn vào bát đĩa thì phải là loại Saibashi (菜箸). Hụ hụ, đến đây mình cũng phải nhe răng, không cần nói đến các bạn 😀

Thực ra, người Việt ta giờ cũng phân loại đó. Các bạn cứ nhìn mấy đôi đũa to, dài ngoằng để nấu ăn mà xem, đó chính là đũa để nấu ăn đó, chỉ là người Việt không đặt tên cho nó thôi.

Nghi thức của người Nhật: Những điều “không nên” khi sử dụng đũa

Câu chuyện của những đôi đũa tại Nhật Bản sẽ không thể dừng lại ở sự tinh xảo trong chế tác, sẽ thật thiếu xót khi không nhắc tới cách mà người ta yêu cầu phải sử dụng chúng ra sao.

Một trong những bài học đầu tiên mà bạn cần biết, đó là khi đặt đũa xuống, tuyệt đối không được cắm thẳng đôi đũa vào trong bát. Hành động này được coi là cực kỳ thiếu tôn trọng, vì đây là cách mà người Nhật thực hiện trong một đám tang, khi cúng thức ăn cho người đã qua đời. Trong bữa ăn, bạn cắm đôi đũa như vậy đồng nghĩa với việc mang tới xui xẻo. Ở Việt Nam, việc này cũng bị coi là xấu, xui xẻo, giống như cắm hương vào bát vậy.

Tuyệt đối không cắm thẳng đôi đũa vào bát
Tuyệt đối không cắm thẳng đôi đũa vào bát

Nhưng một điều cấm kỵ khác tại Nhật lại không hề có ở Việt Nam, đó là sử dụng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác. Hành động này thật là mất vệ sinh, và có thể truyền mầm bệnh từ mình sang cho người khác, nếu có. Khi muốn chia sẻ thức ăn, gắp cho người khác, bạn hãy sử dụng Saibashi, loại đôi đũa không dành cho riêng ai sử dụng để ăn cả.

Khi không sử dụng đũa, ta không được đặt đũa lên trên bề mặt bát. Mỗi đôi đũa sẽ có một giá gác đũa lên trên, hãy đặt tại đó. Trong trường hợp không có giá gác đũa, hãy đặt nó lên giấy gói đũa ban đầu là được rồi. Ngoài ra, lúc đặt, bạn hãy để những chiếc đũa nằm song song với nhau, đặt chéo nhau được coi là sự bừa bãi, thô lỗ ở Nhật đó.

Giá đặt đũa
Giá đặt đũa

Việc cầm đũa đâm xiên qua thức ăn cũng bị coi là bất lịch sự. Đũa nên được sử dụng theo cặp, để gắp chứ không phải để xiên như một thứ vũ khí 😀

Rồi lấy đôi đũa để di chuyển, kéo một chiếc bát theo kiểu tiện tay? Không nhé, rất là nông dân. Khi sử dụng đũa, bạn còn có một tay dành cho bát, sao có thể làm thế được. Luôn luôn sử dụng hai tay, một cho đũa, một cho bát. Khi đưa thức ăn lên miệng, tay còn lại buộc phải cầm bát lên để đỡ, tránh cho thức ăn rơi ra ngoài. Đó là phép lịch sự tối thiểu phải làm ở Nhật Bản.

Bạn đã nhìn thấy những người cầm đôi đũa, ngoáy ngoáy vào trong bát canh của chính mình chưa? Không phải là bát canh chung nhé. Hành động này cũng biến bạn trở thành một kẻ bất lịch sự trên bàn ăn. Chưa kể, nó còn có thể làm canh trong bát tung toé ra bên ngoài.

Ngoài ra, còn một số điều cấm rất rõ ràng mà các bà mẹ dạy con từ khi còn nhỏ: Gõ đũa vào nhau, ngậm trong mồm, liếm đũa, để nước rơi ra từ đũa, dùng đũa để chỉ trỏ… Các bạn cũng nên nhớ lấy nhé, đó là phép lịch sự, nguyên tắc xã giao (マナー) của người Nhật.

Những đôi đũa tốt nhất được sản xuất tại Nhật Bản nó thế nào?

83DD5433 41CF 4F83 83D9 F267D4C4B994
Một đôi đũa tinh xảo của hãng AOOSY bán trên Amazon với giá 1359 Yên/5 đôi

Người Nhật chế tác ra nhiều loại đũa có chất lượng cao khác nhau, thậm chí, có người có sưu tập những đôi đũa như vậy. Một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất tại Nhật về chế tác đũa, đó là hãng AOOSY. AOOSY hay làm một bộ gồm 5 đôi, nguyên liệu từ gỗ tự nhiên của Nhật. Loại gỗ này là gỗ nanmu tự nhiên, với tiêu chí an toàn, và độ bền cao. Những thành phần độc hại như BPA, phthalates hoặc PVC đương nhiên là sẽ không tồn tại trong đũa. Không chỉ được làm từ vật liệu hữu cơ, mà người ta luôn đảm bảo rằng, chúng dễ dàng được làm sạch trước khi cất.

Không giống như những nước khác, các đôi đũa được bày bán tại Nhật luôn được gói trong những hộp rất đẹp, và khách hàng có thể sử dụng làm quà tặng nhau. Bên trong hộp là những đôi đũa được trang trí với những bông hoa trắng phía tay cầm, nhìn rất thanh lịch và tinh tế. Có thể nói, chỉ cần nhìn đôi đũa là bạn đã có thể nhìn thấy cái tâm của những nghệ nhân nước Nhật.

Một loại đũa tuyệt vời khác được sản xuất tại Nhật Bản là bộ đũa gỗ tự nhiên, có thể tái sử dụng, mang phong cách cổ điển từ hãng Youmi. Một bộ 5 đôi đũa của Youmi luôn là một món quà tặng hoàn hảo dành cho những người bạn thân thiết. Bởi vì, giá của chúng không hề rẻ như của hãng AOOSY, thường giá đắt gấp chục lần luôn. Nếu chỉ nhìn lướt qua, chắc chắn không bao giờ bạn có thể tưởng tượng, tại sao đũa của Youmi đắt đến vậy. Nó mộc mạc, ít khi trang trí, gần như chỉ là những đôi đũa thô. Chỉ khi cầm lên và nhìn ngắm trực tiếp, ta sẽ thấy được cái hồn của nó. Nhưng cảm nhận này thường ít đến từ những người trẻ tuổi, hay những người thích sự hiện đại.

FCEF17AC 1A20 40B5 B5F4 5900399AAF8C
Bộ 5 đôi đũa Youmi bán trên Amazon với giá 14.943 Yên (tương đương hơn 3 triệu tiền VIệt)

Được làm từ gỗ hồng táo, đũa Youmi rất dễ dàng làm sạch hơn nhiều loại khác. Ngoài độ bền, việc đánh bóng những đôi đũa cũng buộc phải sử dụng loại sơn mài thực phẩm, thân thiện với môi trường. Đừng bao giờ nghĩ họ sẽ chỉ sơn phủ bóng như ở Việt Nam, rất độc hại. Sau khi đánh bóng, những đôi đũa của Youmi sẽ khó bị nhiễm màu, và không dễ dàng bị phá vỡ cấu trúc bên trong với bất cứ cách nào.

Cuối cùng, chúng ta không thể bỏ qua một hãng nữa, đó là những đôi đũa màu đen đến từ Happy Sales, cùng với chiếc hộp đi kèm giá đặt đũa cũng màu đen nốt. Đây là những đôi đũa sơn mài để bảo vệ khỏi sự mài mòn, được đánh bóng, trang điểm bởi những khối màu nhẹ nhàng, hài hoà.

Không chỉ đẹp ở tính thẩm mỹ, người ta cũng đã đo đạc và chế tác với kích thước hoàn hảo, đem lại sự thoải mái nhất cho người dùng. Kèm theo đôi đũa thường là một vỏ nhựa đẹp mắt, giúp chủ nhân của chúng dễ dàng mang đi theo. Người Nhật hay có thói quen sử dụng bên mình một dụng cụ dùng riêng, không dùng bên ngoài. Đôi đũa cũng vậy. Nên việc có được bộ vỏ cho nó là rất quan trọng.

DA2CCD67 B41E 43DC BE25 5F8390F5E7E1
Đũa của Happy Sales

Cùng với những con búp bê Nhật Bản, đũa của Nhật thực sự cũng đáng được coi là một đại diện tuyệt vời cho lịch sử, văn hoá nước Nhật. Và cũng là hình ảnh đến từ những đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nhật Bản. Bạn đã bao giờ nghĩ, việc tặng đôi đũa cho nhau ở xứ sở này mang lại ý nghĩa rất lớn về mối quan hệ mật thiết giữa hai bên chưa? Hãy cảm thấy hạnh phúc về điều đó, nếu bạn được một người bạn Nhật Bản tặng đũa cho mình!

Share this article
0
Share
Shareable URL
Prev Post

Đại học ở Nhật Bản lần đầu tiên cấp bằng khoá học làm Ninja

Next Post

Nagano – Gifu: Ra mắt Tổng đài tư vấn nhiều ngôn ngữ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read next
Chú ý: website có sử dụng cookies, tìm hiểu về chính sách tại đây.