Búp bê Nhật Bản

Búp bê Nhật: Biểu tượng của văn hoá nước Nhật

Bài viết này chỉ viết về loại búp bê Nhật truyền thống thôi, không có tí nào liên quan đến ma búp bê hay búp bê tình dục đâu nhá. Ai yêu thích búp bê Nhật thì đọc tham khảo, ai biết nhiều hơn xin góp ý để hoàn thiện hơn. ありがとう.

Phổ biến nhất, mọi người hay mua là chiếc móc chìa khoá, các đồ vật có nam châm để dính đâu đó, mang hình ảnh biểu tượng của mỗi quốc gia. Ví như, tháp Effel khi tới Pháp, tượng nữ thần Tự do nếu bạn ghé qua Mỹ. Còn tới Nhật, mọi người sẽ nhắm đến những con búp bê xinh đẹp. Phần lớn trong số họ, búp bê không chỉ đơn thuần là mua một kỷ vật, mà còn là sự thích thú, yêu mến.

Trên thực tế, búp bê Nhật có ý nghĩa nhiều hơn là một món quà, nó mang trong mình một nền văn hoá lâu đời của nước Nhật. Trong nhà mình cũng bày rất nhiều búp bê Nhật lắm, mỗi lần qua đó, mình lại tìm thêm vài mẫu mới, hình tượng mới. Trông chúng thật đáng yêu.

Quay lại với lịch sử sự ra đời của những con búp bê Nhật

Trong tiếng Nhật, búp bê gọi là Ningyo (人形), nghĩa đen là “hình dáng con người”. Mỗi con búp bê ra đời, nó ẩn chứa trong mình niềm đam mê của người thợ chế tác, và đặc trưng của nghệ thuật thủ công nước Nhật nói chung. Loại búp bê được làm thủ công có giá thành rất đắt, từ vài trăm cho đến vài nghìn, thậm chí hơn chục nghìn USD cũng có. Không hề rẻ và dễ mua như loại hàng lưu niệm sản xuất hàng loạt để bán cho du khách.

Búp bê Nhật Bản có bắt nguồn từ quá trình sáng tạo các 土偶 (Dogū – tượng làm bằng đất sét) được cho là từ thời văn hóa 縄文 (Jōmon) cổ xưa ở Nhật Bản (800-200 trước Công nguyên) và lễ tang ma Haniwa của giai đoạn văn hóa Kofun (300-600 sau Công nguyên).

Dù nhiều giả thiết về sự ra đời đầu tiên của búp bê Nhật, nhưng thời điểm người ta nhắc đến nhiều nhất vẫn là Jomon. Có rất nhiều mẫu được ghi nhận đã xuất hiện trong văn hoá thời cổ đại này. Ngay từ thế kỷ thứ XI, người Nhật bắt đầu phân loại búp bê. Đến thời kỳ đỉnh cao trong thời kỳ Heian (平安), thợ chế tác búp bê dần được tự do hơn, với những mẫu mới sáng tạo hơn, như trong trường thiên tiểu thuyết nổi tiếng 源氏物語 (Truyện kể Genji) của Murasaki Shikibu đã viết vào thế kỷ thứ XII.

The Tale of Genji
The Tale of Genji

Trong các tài liệu có ở các đền, chùa thì vào khoảng năm thứ 3 BC, nghi lễ làm búp bê bằng cỏ để tế lễ thần linh, ném xuống sông ở đền Ise Grand (伊勢神宮) . Nghi lễ này cũng có thể có từ trước đó, và nó cũng là khởi nguồn của lễ hội búp bê hiện đại hoặc雛祭り.

Đầu thế kỉ thứ 11, khoảng thời kì đỉnh cao của thời kỳ Heian, một vài loại búp bê khác cũng được chế tạo, bằng chứng được tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết The Tale of Genji (Câu chuyện của Genji) của Lady Murasaki: “Các cô gái chơi với búp bê và những ngôi nhà búp bê, phụ nữ làm những búp bê cầu an cho bọn trẻ, búp bê được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, lấy đi những rủi ro, tội lỗi mà con người mắc phải”.

Nếu dựa vào những hiện vật còn tồn tại để xác định niên đại ra đời của búp bê Nhật Bản, người ta có thể ước chừng chúng ra đời khoảng ba trăm năm trước. Dựa vào văn học và những tài liệu thư tịch có đề cập đến búp bê, niên đại có thể đưa lên tới 800 hoặc 900 năm, nghĩa là một phần ba lịch sử nước Nhật. Khó khăn trong việc tìm hiểu là do các búp bê chỉ là những đồ chơi của trẻ con. Vật liệu làm ra chúng thường không được bền, hơn nữa không được giữ gìn kỹ như các bức tượng hoặc tranh vẽ.

Một nghệ nhân đang làm áo cho búp bê Hina

Những con búp bê cổ xưa mà ngày nay chúng ta còn giữ được cũng chỉ vào khoảng thời gian đó, thời kỳ mà chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật, chúng phát triển từ đồ chơi của trẻ con thành đồ mỹ nghệ của người lớn. Nếu, ngoại lệ, những búp bê nghệ thuật này có mang chữ ký hoặc khắc tên những người làm ra chúng thì cuộc sống của những nghệ nhân này vẫn còn trong bóng tối.

Đa số các nhà nghiên cứu đẩy lùi nguồn gốc của búp bê Nhật Bản đến haniwa, một tục lệ có giá trị từ thời xưa: khi một nhân vật quyền quý nào mất, các người thân tín phục dịch nhân vật ấycũng cùng đi theo xuống dưới mồ. Tục lệ này đã làm không biết bao nhiêu gia đình phải tang tóc và làm mất đi không biết bao nhiêu người tài đức, có ích cho quốc gia. Khi hoàng hậu mất, hoàng đế Suirin tham khảo ý kiến vị quan Nomi-no-Sukuné, để thay đổi tệ tục này. Vị quan đề nghị chôn cùng với người chết những hình nhân bằng đất nung.

Ý kiến này được áp dụng, các tượng nhỏ này có tên gọi là haniwa. Chúng có ý nghĩa về mặt tôn giáo, và không thể xếp vào loại đồ chơi như những con búp bê. Trong lịch sử nước Nhật, cũng như trong lịch sử búp bê Nhật, những thời kỳ trước đó, sáng kiến đặc biệt: “thay người bằng hình nhân”. Một tài liệu lịch sử là Vua Kanmu (năm 794) xây dựng Kinh đô ở địa điểm Kyoto ngày nay, chôn phía dưới những bài kinh cầu là các hình nhân chiến sĩ ở bốn góc thành để họ trở thành thần nhân che chở cho kinh thành.

Búp bê Nhật Bản
Búp bê Nhật Bản

起き上がり小法師 (Okiagari-koboshi) là một loại búp bê béo tròn được làm từ giấy bồi, có từ thế kỉ thứ 14. Nó là vật mang lại may mắn, là biểu tượng của sự kiên trì bền gắn và khả năng hồi phục.

Búp bê hiện nay được sản xuất theo khuôn với một hỗn hợp bột gỗ kiri (cây paulownia) – chất dẻo, hoặc mạt cưa và một chất keo làm từ rong biển (gọi là funorin).

Có thể những người làm búp bê chuyên nghiệp đầu tiên là những thợ điêu khắc tại các chùa chiền, họ dùng kỹ năng tuyệt vời của mình để tạo ra những sản phẩm bằng gỗ sơn màu cho trẻ em (嵯峨人形 – búp bê Saga).

Tên gọi Saga là một địa điểm gần Kyoto mà theo truyền thuyết do một viên chức cao cấp về hưu và đã làm những con búp bê này vào những năm cuối đời. Sự đặt tên này không có nghĩa những con búp bê này là một đặc sản của Saga; về sau, loại này được tạo tác và nâng cao giá trị ở Edo và sản sinh loại Edo – Saga. Nguồn gốc của những búp bê này lên tới năm 1600, đến mãi cuối thế kỷ XVll và đầu thế kỷ XVlll, kỹ thuật này mới phát triển thật sự.

Ở Việt Nam, nếu bạn đi mua búp bê, chắc rằng phần lớn đó là những con búp bê với hình hài của em bé bằng nhựa, và mua về cho các bé ở nhà chơi. Búp bê Nhật thì khác lắm, đủ hình dạng, có bé sơ sinh, có cô gái mặc kimono, có những chiến binh, vua hay hoàng hậu. Nhất là những huyền thoại, biểu tượng của Nhật Bản như Samurai, hay Maiko. Búp bê mang hình những vị thần, ác quỷ cũng có nữa. Rồi cả những con búp bê mô tả cuộc sống dân gian nước Nhật ngày xưa.

Phần lớn hình mẫu búp bê Nhật đều có truyền thống lâu đời, và vẫn được tiếp tục tạo ra cho đến nay. Với mục đích để trưng bày, làm quà tặng cho bạn bè những dịp trang trọng, hay dùng cả trong những điện thờ, lễ hội. Như trong lễ hội búp bê, gọi là Hinamatsuri.

Thời xưa, những con búp bê được dành cho các bé gái làm đồ chơi. Có búp bê đi mua, hoặc do chính tay các bà mẹ làm ra. Vì các họ tin rằng, những con búp bê này sẽ bảo vệ con cái mình, một niềm tin tâm linh. Và có cả những con búp bê được sử dụng trong các nghi lễ khác nhau liên quan đến tôn giáo, với những con búp bê mang theo tội lỗi của người đã từng chạm vào chúng.

Búp bê Okiagari Koboshi
Búp bê Okiagari Koboshi

Ví như búp bê hoko. Hoko là một loại búp bê mềm mại, nó được trao cho những phụ nữ trẻ đang ở độ tuổi sinh nở. Đặc biệt là phụ nữ đang mang thai, con búp bê Hoko được cho là bảo vệ không chỉ người mẹ, mà cả đứa trẻ chưa sinh. Sự tồn tại của những con búp bê này được thấy trong thời kỳ Muromachi (室町).

Hay búp bê Okiagari Koboshi (起き上がり小法師), có mặt ít nhất là từ thế kỷ thứ XIV. Người dân địa phương tin rằng, nó là bùa may mắn cho họ, và đồng thời được xem là biểu tượng của sự kiên trì và kiên cường.

Đến thời kỳ Edo (江戸, 1603-1867), sự phổ biến của búp bê Nhật Bản đã trở thành nhu cầu của gia đình, nhất là những các gia đình giàu có. Vào khoảng năm 1603 đến năm 1867, những người thợ đã có chỗ đứng của mình, một thị trường dành cho những con búp bê được chế tác tinh xảo hình thành. Người giàu có sẽ tìm kiếm những con búp bê đẹp nhất, tinh xảo nhất để trưng bày. Đồng thời, búp bê trở thành món quà xa xỉ, có giá trị tinh thần lớn với tầng lớp thượng lưu.

Suốt thời kì Edo , khi Nhật Bản vẫn còn xa rời các hoạt động giao thương, ở đây đã rất phát triển hai bộ phận người: những người chế tạo búp bê tài hoa và những người giàu có sẵn sàng chi những món tiền lớn cho những bộ búp bê đẹp đẽ và tinh xảo để trưng bày trong gia đình hoặc dùng làm quà tặng. Những bộ búp bê gồm 1 series những con búp bê lớn với độ tinh xảo tăng dần lên.

Thị trường cạnh tranh dữ dội hơn, và chính phủ Nhật buộc phải có những quy chế cụ thể hơn cho thị trường này. Những người thợ chế tác búp bê có thể bị bắt giữ hoặc trục xuất nếu vi phạm luật về chất liệu hay chiều cao.

Búp bê truyền thống: Những cái tên, kiểu dáng khác nhau

Sự phổ biến của búp bê Nhật Bản lên tới đỉnh cao trong thời Edo, đã khiến cho nhiều loại búp bê khác nhau được ra đời, phục vụ cho nhiều sở thích khác nhau. Những loại phổ biến gồm có:

Búp bê Hina (雛)

Thường được sử dụng trong lễ hội Hinamatsuri, diễn ra vào ngày 3 tháng 3 hàng năm. Lễ hội búp bê là ngày lễ cầu nguyện để cho các bé gái lớn lên trong sự khỏe mạnh.

Loại búp bê này có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Búp bê hina cổ điển thường có hình dạng cơ thể hình chóp, được làm từ các lớp vải dệt phức tạp, xếp thành nhiều lớp lên nhau, với lõi rơm hoặc gỗ. Tay của nó được chạm khắc trên gỗ và phủ gofun. Phần đầu cũng được tạo thành từ gỗ, với đôi mắt thủy tinh trông rất có thần. Tóc của búp bê hina thường được làm từ tóc người thật, hoặc bằng lụa.

Lịch sử của “ngày lễ hội búp bê” được truyền lại là ngày xưa giới quý tộc đã thả ra sông và biển những con búp bê được làm bằng giấy và cây – là vật thay thế cho tai nạn và bệnh tật của con gái. Và cầu nguyện để cho những cho búp bê đó nhận thay và mang đi những tai nạn và bệnh tật của con gái họ. Ngay sau đó, những con búp bê đã được các gia đình tặng thưởng cho mặc những chiếc áo kimono đẹp. Phong tục thả búp bê ra sông vẫn có ở các địa phương, được gọi là “Nagashibina”.

Búp bê Hina có thể làm từ rất nhiều chất liệu nhưng búp bê Hina truyền thống có thân hình chóp, tinh xảo, nhiều vải bọc quanh một khối hình làm bằng rơm hay gỗ, tay chạm gỗ có sơn, đầu búp bê cũng được đẽo gỗ hoặc đúc khuôn và phủ sơn, với cặp mắt trong, và tóc người hoặc tóc lụa.

Một bộ búp bê hina đầy đủ thường bao gồm không dưới 15 con, mỗi con đại diện cho một số nhân vật, và được trang trí với các phụ kiện khác nhau. Còn một bộ cơ bản thường chỉ gồm một cặp Hoàng đế và Hoàng hậu. Đây là loại búp bê đắt tiền nhất của Nhật, ví như một đôi đơn giản bày bán trên Amazon Nhật đã có giá đã khoảng gần 9 triệu tiền Việt rồi.

Búp bê Saga (嵯峨)

Loại búp bê này đc làm bằng gỗ đẽo, trang trí sử dụng hình hoạ vẽ rất chi tiết, màu sắc vẽ trên tượng mang phong thái vẽ tranh. Thoạt nhìn khó có thể coi đây là búp bê, chúng dễ bị nhầm tưởng sang đồ mỹ nghệ hơn.

Búp bê Saga phát sinh từ tính ham mê nghệ thuật của các nhà điêu khắc tượng Phật. Đa số búp bê thuộc loại này có đề tài là các sư sãi hoặc tu sĩ. Các búp bê Saga tương đối nhỏ, cái lớn nhất không cao quá 30cm.

Búp bê Saga

Búp bê Ishō (衣装)

Là những búp bê có chủ đề phụ nữ, các thị thần, các thị đồng với những bộ kimono cắt may như y phục của những nhân vật quan trọng.

Phong cách của loại này chịu ảnh hưởng của 浮世絵 (Ukiyoe – tranh khắc gỗ Nhật Bản ) và có tên gọi khác là “búp bê phong tục”.

Búp bê Ishō

Búp bê Kintarō (金太郎)

Búp bê mang hình ảnh của một anh hùng trong dân gian Nhật Bản, một cậu bé có sức mạnh siêu phàm. Kintaro thường được tặng cho trẻ em trong ngày lễ Tango no Sekku. Với mong muốn, Kintaro sẽ mang đến cho đưa bé một nguồn cảm hứng về sự dũng cảm và sức mạnh.

Búp bê Kintaro
Búp bê Kintaro

Búp bê Kitsuke(着付け)

Búp bê có mặt và chân tay đẽo bằng gỗ và sơn, còn thân người thì giấu dưới bộ kimono làm bằng thanh gỗ hay giấy bồi dán quần áo lên.

Búp bê Kitsuke

Búp bê Musha (武者人形)

Được biết đến như một búp bê chiến binh, với nhiều kiểu khác nhau. Loại búp bê này được chế tác cùng loại chất liệu như búp bê Hina. Tuy nhiên, việc chế tác búp bê Musha rất phức tạp hơn so với loại khác, nhất là loại được tạo hình ngồi trên ngựa hoặc trên ghế trại lính. Chưa hết, nó còn kèm theo vũ khí, ái giáp và mũ chiến binh cổ nữa, tất cả đều được làm bằng giấy phun sơn.

Búp bê Musha
Búp bê Musha

Búp bê Gosho (御所)

Hay còn gọi là búp bê Palace, với hình dáng một chú bé da rất trắng, mập mạp, dễ thương. Quần áo trên người búp bê Gosho khá ít, tiết diện nhỏ nhưng lại rất tinh xảo, kể cả kiểu tóc. Ngày nay, búp bê gosho còn được làm mẫu con gái, như một món quà có ý nghĩa liên quan tới toà án Hoàng gia.

Búp bê Gosho
Búp bê Gosho

Theo tục lệ, những đại gia các địa phương phía Tây thường tặng một món quà cho Vua, quan trong triều, khi họ đi qua Kyoto. Để trả lễ, Vua, các quan trong triều biếu lại họ một con búp bê bằng gỗ sơn. Do đó có cái tên gọi là búp bê Gosho (tiếng Nhật có nghĩa là “hoàng cung”).

Đặc điểm các búp bê loại này: đa số có đề tài là những đứa trẻ trần truồng, mặc dù cũng có cái mặc quần áo, thường là đầu to hơn người, với mặt mày rạng rỡ, với đôi mắt gắn thuỷ tinh nhỏ như mắt voi. Tỷ lệ ước định giữa đầu và thân là một phần hai, luôn luôn sơn trắng và bóng.

Búp bê Kimekomi (木目込み)

Thường được làm bằng gỗ, tiền thân của búp bê Kimekomi chính là búp bê Kamo. Khi chế tác, quần áo của búp bê sẽ được dán trên thân gỗ chạm khắc, với đầu và tay được làm bằng gofun.

Búp bê Kimekomi
Búp bê Kimekomi

Búp bê Karakuri (からくり人形)

Loại búp bê này thường được sử dụng trong dịp lễ Gion ở Kyoto, là dạng búp bê máy. Khi chuyển động, thường sẽ có âm nhạc đi kèm. Karakuri hay đại diện cho những vị anh hùng huyền thoại của Nhật Bản.

Búp bê Karakuri
Búp bê Karakuri

Búp bê Bunraku (文楽)

Bunraku hay con gọi là jōruri (人形浄瑠璃), gọi búp bê hay con rối cũng được, được sử dụng chủ yếu trong các rạp múa rối của Nhật Bản. Có lịch sử khoảng 300 năm, bắt nguồn từ Osaka, lấy cảm hứng từ các sân khấu Kabuki. Cho đến ngày nay, loại búp bê truyền thống này vẫn tồn tại.

Búp bê Bunraku
Búp bê Bunraku

Búp bê Kokeshi (小芥子人形)

Kokeshi đến từ bắc Honshu của Nhật Bản từ hơn 100 năm trước. Với chế tác khá đơn giản, chỉ gồm một cái đầu lớn và một cơ thể có hình trụ, thường được làm bằng gỗ. Kokeshi trước đây được tạo ra chủ yếu để làm đồ chơi cho trẻ em của nông dân. Chế tác loại búp bê này hiện đang là một nghề thủ công nổi tiếng ở Nhật Bản, phần lớn được sử dụng làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Chắc chắn bạn cũng đã nhìn thấy nó rồi.

Búp bê Kokeshi
Búp bê Kokeshi

Búp bê Iki (生人形)

Búp bê Iki hay xuất hiện trong các chương trình misemono, với một kích thước như người thật. Nó thường mô tả cuộc sống theo chủ nghĩa hiện thực, đặc biệt là những con búp bê được tạo ra bởi hai nghệ nhân Matsumoto Kisaburo và Yasumoto Kamehachi.

Búp bê Iki hình ảnh Sumo của Kamehachi Yasumoto năm 1890
Búp bê Iki hình ảnh Sumo của Kamehachi Yasumoto năm 1890 (nguồn Camk)

Búp bê Ichimatsu (市松人形)

Tên của loại búp bê này được đặt dựa vào tên của một diễn viên kịch Kabuki ở thế kỷ thứ XVIII. Có thể bạn sẽ nghĩ, chắc nó sẽ mang hình dáng của một diễn viên kịch, nhưng không phải. Con búp bê này lại giống với loại búp bê trẻ em từ thế kỷ thứ XIX, là một bé trai hoặc một bé gái. Đặc biệt, hình khối được chế tác của con búp bê này lại được cân đối chính xác với tỷ lệ thực của một đứa trẻ. Và cũng không dùng màu trắng điển hình của các loại búp bê khác, mà có màu của da thật, với một đôi mắt thuỷ tinh. Nếu là hình bé trai, sẽ có một khuôn mặt tinh nghịch, nếu là bé gái, nó sẽ có một khuôn mặt thanh tú, dịu dàng trong bộ quần áo kimono.

Búp bê Ichimatsu
Búp bê Ichimatsu

Búp bê Kamo (賀茂)

Là những búp bê đẽo bằng gỗ mà quần áo thường làm bằng gấm, lụa .v.v. với mặt và tứ chi không sơn phết mà để nguyên màu gỗ tự nhiên.

Búp bê Kamodo một thầy tu đền Kamo, Kyoto sáng tạo nên cách đây hai trăm năm. Nhờ vẻ mộc mạc, giản dị, thuần phác, loại này rất thịnh hành vào thời Tokugawa. Các búp bê này có đề tài phần lớn là những đứa trẻ trần truồng hay những con rối của sân khấu kịch Noh.

Búp bê Kamo

Búp bê Daruma

Daruma là hình ảnh đại diện cho Bồ đề đạt ma, cũng vì thế, búp bê này rất hay xuất hiện trước cổng đền chùa, trong cửa hàng lưu niệm. Với người Việt Nam, Bồ đề đạt ma đã quá nổi tiếng, người đã sáng lập ra Thiền tông khoảng 1500 năm trước. Điều kỳ lạ là, búp bê Daruma thì không hề có con ngươi trong mắt.

Có một truyền thuyết thế này. Người ta kể rằng, để tránh buồn ngủ, phá vỡ tập trung khi thiền định, Bồ đề đạt ma đã loại bỏ con ngươi trong mắt mình. Hơn nữa, do thiền định mãnh liệt và kéo dài, tay chân của ông cũng bị teo đi mất. Bởi vậy, Daruma mang hình dáng tròn, không chân tay. Là hiện thân của đức Phật Bồ đề đạt ma, nên Daruma được cho là đem tới may mắn và thịnh vượng cho chủ nhân của nó. Hàng năm, người dân Nhật Bản thường mua búp bê Daruma để cầu xin một điều ước.  

búp bê daruma
Búp bê Daruma (nguồn toquoc.vn)

Với con búp bê không có con người, chủ sở hữu sẽ phải vẽ một mắt khi cầu xin một điều ước, và khi đạt được điều ước đó, phải vẽ nốt con mắt còn lại. Điều này thường thực hiện vào ngày đầu năm mới. Đây cũng là con loại búp bê được nhiều du khách tìm mua nhất khi tới Nhật.

Búp bê bằng gỗ đẽo

Những con búp bê chúng ta vừa kể trên nói chung được đẽo bằng gỗ nhưng hoặc được phủ vải hoặc màu sơn gofun hay màu khác cho nên chất gỗ trở nên thứ yếu.

Ngược lại, loại này làm nổi bật giá trị của gỗ đẽo, chúng cho thấy tài nghệ của nghệ nhân. Loại này thường có chủ đề là các nhân vật của sân khâu No hay của Bougaku, múa nghi lễ của triều đình.

Búp bê bằng gỗ đẽo

Búp bê bằng đất nung

Búp bê bằng đất nung có sơn màu, nó có khắp nơi tại Nhật. Nổi tiếng nhất là búp bê Fushimi gần Kyoto, búp bê Hakata, Kyoshu, Hananomaki, Tsutsumi và Koga phía Bắc.

Trong ảnh là búp bê Fushimi.
Trong ảnh là búp bê Fushimi.

Teru Teru Bozu (てるてる坊主)

Teru nghĩa là nắng, bozu là pháp sư, gọi là búp bê pháp sư. Tuy nhiên, chúng được biết đến với cái tên búp bê đầu trọc, hoặc búp bê thời tiết. Không rõ Teru teru bozu xuất hiện từ khi nào, nhưng vào thời Edo, nó rất phổ biến. Khi đó, trẻ em thường treo chúng lên bằng một sợi dây ở cửa sổ, và cầu nguyện cho ngày hôm sau thời tiết sẽ tốt. Về mặt kỹ thuật, khó có thể coi nó giống như những con búp bê khác. Nó được làm bằng giấy hoặc vải màu trắng.

Búp bê Teru Teru Bozu
Búp bê Teru Teru Bozu

Búp bê Okiagari koboshi (起き上がり小法師)

Búp bê Okiagari koboshi

Dễ thương với đôi mắt to: loại búp bê được yêu thích nhất

Búp bê Nhật Bản có nhiều kích cỡ khác nhau, và đặc biệt là giá tiền khác nhau rất ra. Phổ biến nhất vẫn là búp bê có kích thước nhỏ, ví như loại Kokeshi bằng gỗ. Với hình dáng độc đáo của mình, cùng nhiều mẫu chế tác khác nhau, Kokeshi được dùng để trang trí rất nhiều. Nhất là người lớn, họ rất thích Kokeshi.

Từ Akihabara, khu mua sắm nổi tiếng của Nhật Bản, cho đến những ngôi đền, bạn sẽ gặp Kokeshi ở bất cứ đâu, bày bán cho du khách. Không chỉ bởi hình dáng dễ thương, giá cũng rất mềm, chỉ khoảng 1000 yên là bạn đã có một bé Kokeshi bày ở nhà rồi. Nếu đang sống ở Nhật, bạn thử tìm mua trên mạng, rất nhiều mẫu để lựa chọn.

Hoặc nếu bạn đã có, mình nghĩ bạn nên tìm loại Hakata, đó là một lựa chọn tuyệt vời khác. Loại này bạn có thể tìm thấy nhiều nhất tại thành phố thương mại lớn nhất vùng Kyushu, nơi mà con búp bê mang tên: Hakata (Fukuoka). Nó thường được làm bằng đất sét, không có tráng men, được vẽ trực tiếp màu lên. Loại này được làm tinh tế đến mức, nó đã được xuất khẩu cả ra nước ngoài rồi đó.

Thời gian đã thay đổi những con búp bê Nhật Bản

Trong thời đại mà mọi thứ thay đổi chóng mặt, thị hiếu cũng dần thay đổi, và không phải loại búp bê nào cũng được yêu thích. Các bạn trẻ thường chỉ hay thích loại búp bê dạng tượng nhỏ, trong khi một số người vẫn sẵn sàng trả một cái giá cao để đem về nhà một con búp bê. Với những chế tác phiên bản giới hạn, giá sẽ nằm ở trên trời, không nằm ở trong suy nghĩ của chúng ta.

Các mẫu búp bê mới không theo truyền thống cũng dần được ra đời, nó có hình dáng dựa theo những nhân vật trong phim hoạt hình. Không chỉ phổ biến ở Nhật Bản, mà ở nhiều quốc gia khác. Một đặc điểm quan trọng của búp bê mà người mua thường chú ý, đó là trang phục, nét biểu cảm và tư thế của nó. Một số búp bê được sản xuất hàng loạt, nhiều loại khác vẫn được chú trọng qua việc chế tác thủ công. Một số có trang phục rất phức tạp, một số khác thì lại rất đơn giản, tuỳ thuộc vào nhân vật mà người thợ miêu tả.

Có những vị khách tới Nhật chỉ để tìm mua búp bê, nhất là những con có phiên bản giới hạn. Rõ ràng, văn hoá búp bê của Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, vươn ra cả các khu vực khác trên thế giới. Mình vẫn luôn cho rằng, đây là một loại hình nghệ thuật không chỉ đem lại giá trị trưng bày, nó có lưu giữ trên mình một ý nghĩa văn hoá sâu sắc của nước Nhật.

Share this article
0
Share
Shareable URL
Prev Post

Đến Tokyo đi nhậu ở đâu?

Next Post

“Chi phí kỹ năng đặc định” bao nhiêu?

Comments 1
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read next
Chú ý: website có sử dụng cookies, tìm hiểu về chính sách tại đây.