Tại sao vậy? Để trả lời câu hỏi đó, có khá nhiều lý do mà mình sẽ phân tích sau trong một bài khác. Nhưng một trong những câu trả lời nằm ở phần “chi phí”.
Chi phí kỹ năng đặc định là vấn đề không chỉ người lao động quan tâm, mà cả công ty Nhật cũng rất quan tâm. Đứng trên góc độ một doanh nghiệp, hẳn bạn sẽ luôn muốn giảm thiểu chi phí hoạt động, doanh nghiệp Nhật không hề ngoại lệ.
Đầu tiên, chúng ta sẽ xét theo lý thuyết, sau đó mới nói đến câu chuyện thực tế.
Chí phí nguyên tắc
Thế nào là chi phí nguyên tắc? Đó là số tiền được thoả thuận giữa cơ quan hành chính hai nước Nhật Bản và Việt Nam sau khi đàm phán.
Dựa theo một văn bản nội bộ trước đây lộ ra của Cục quản lý lao động ngoài nước (DOLAB) vào tháng 9/2019, mức phí đưa ra có vẻ rất tương đồng với phía Nhật Bản quy định.
Có 2 loại đối tượng lao động được nêu:
- Người chưa bao giờ lao động tại Nhật.
- Người đã từng kết thúc hợp đồng Thực tập sinh 3 năm: Người đã về nước/Người vẫn đang ở Nhật.
1. Lao động chưa đi Nhật làm việc
Trong trường hợp này, các công ty phái cử sẽ nhận được:
– Từ công ty tuyển dụng Nhật Bản: ít nhất 1.000$ cho chi phí đào tạo và 1.800$ chi phí phái cử (trả 1 lần). Tổng cộng khoảng 2800$ trở lên.
– Từ người lao động: 2 tháng lương (dựa theo lương cơ bản khi ký hợp đồng), và thanh toán khi nhận được VISA.
Đồng thời, công ty phái cử sẽ phải giải trình với Cục quản lý xuất nhập cảnh về khoản thu 2 tháng lương nêu trên, xem nó gồm những chi phí gì. Và Cục sẽ chỉ chấp thuận khi chi phí đã giải trình là hợp lý.
2. Thực tập sinh đã hoàn thành chương trình tại Nhật 3 năm
Với những bạn này thì nhàn rồi, các bạn sẽ không phải chi bất cứ khoản nào cho công ty phái cử tại Việt Nam. Còn công ty phái cử tại Việt Nam, họ sẽ chỉ được phép nhận tiền môi giới từ phía công ty Nhật Bản.
3. Với các bạn còn đang thực tập tại Nhật, chưa về nước
Đây là những bạn dễ dàng chuyển đổi nhất, bạn sẽ được tuyển trực tiếp, không mất phí. Nếu có, đó cũng chỉ là một con số rất nhỏ, có thể là vài trăm yên cho chi phí lập bản danh sách gửi tới bộ phận quản lý lao động của đại sứ quán chứng nhận.
Chi phí thực tế
Ở trên, mình đã nêu vấn đề chi phí cụ thể để các bạn nắm bắt được. Tuy nhiên, thực tế khi muốn tham gia chương trình sẽ có nhiều sai khác. Lý do gồm đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi.
Lý do số 1: Công ty tiếp nhận lao động Nhật Bản không muốn chi tiền.
Công ty tiếp nhận Nhật Bản không muốn trả tiền, hoặc chỉ trả rất ít so với con số lý thuyết.
Ơ hay, sao lại thế? Muốn có lao động mà không muốn chi? Vậy lấy đâu ra người đến với các ông?
Họ có lý của họ đấy. Bởi nếu họ không tiếp nhận bạn, thì còn rất nhiều người nước ngoài đang sống tại Nhật muốn tham gia. Họ có mất đồng nào không? Có, rất ít. So với tiếp nhận lao động còn đang ở ngoài nước Nhật, con số chênh lệch nhau quá lớn. Chưa hết, nếu có tiếp nhận bạn xong, bạn sang đó làm việc không hiệu quả. Lúc này bỏ thì thương, vương thì tội. Vậy bạn nói xem, tại sao công ty Nhật phải chi?
Khi công ty tiếp nhận không chịu chi, vậy cơ quan hỗ trợ tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định sẽ lấy đâu ra chi phí? Tất nhiên họ không giới thiệu miễn phí cho công ty tiếp nhận, nhưng cái nhận về không nhiều đâu. Vì thế, số tiền chi trả cho công ty phái cử tại Việt Nam rất ít, và có thể bằng 0.
Công ty phái cử sẽ chỉ còn cách, lấy từ chính người lao động mà thôi. Bởi vậy, số tiền bạn phải trả cho công ty phái cử sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí lý thuyết nêu trên.
Lý do số 2: Cò mồi
Có một thực tại như thế này, phần lớn các lao động ít khi chịu làm việc trực tiếp với công ty phái cử, hay nói đúng hơn là lười tìm hiểu nên luôn bị động. Họ sẽ lại tới với công ty phái cử thông qua các đầu mối (cò lao động). Các đầu mối có thông tin của lao động trong tay, vậy họ sẽ giới thiệu cho công ty phái cử nào? Nơi họ quen biết, nơi chi cho họ phí giới thiệu nhiều hơn. Điều đó sẽ dẫn đến cạnh tranh lao động từ đầu mối của các công ty tiếp nhận -> chi nhiều hơn cho đầu mối. Và tiền đó sẽ lại tiếp tục đổ lên đầu lao động.
Con số lại tăng lên thêm nữa từ đây.
Lý do số 3: Cơ quan quản lý Việt Nam thiếu chặt chẽ
Theo quy định, tất cả việc tuyển dụng lao động buộc phải trực tiếp, không thông qua các đầu mối. Nhưng rõ ràng, hiện tượng này vẫn xảy ra phổ biến. Ai cũng biết, chỉ một người không cần biết. Đơn giản thế thôi. Đừng mong họ sẽ kiểm tra giúp bạn! 🙂
Lời cuối
Qua nhiều lần tư vấn cho các bạn lao động đã về nước, mình nhận thấy, có rất nhiều bạn chưa từng thi bằng chuyên môn, dù đã hoàn thành 3 năm. Cũng do các bạn không hề nghĩ tới việc đi lại. Lúc này, khả năng quay lại theo diện kỹ năng đặc định khá là khó, trừ phi quay lại đúng công ty cũ đã từng thực tập. Vì nếu chưa có bằng, Cục quản lý xuất nhập cảnh sẽ đời hỏi bảng đánh giá có con dấu của công ty và nghiệp đoàn cũ. Tất nhiên, bạn cũng có thể liên hệ lại để xin, nhưng thường là khá khó khăn. Để lập bảng đánh giá này, công ty cũ sẽ mất rất nhiều thời gian để làm ra, liệu họ có làm cho bạn không? Cái đó rất khó nói, nếu bạn may mắn thì không nói làm gì 😕
Thử đặt mình vào vị trí công ty tiếp nhận, bạn sẽ nhận thấy, chi phí bỏ ra để có được lao động thì người đã hoàn thành chương trình thực tập 3 năm là tốt nhất. Chưa kể, đây là những người đã có kinh nghiệm công việc, quen với phong cách làm việc tại đây. Tất nhiên, khi số người này hết dần, việc tìm đến những lao động mới sẽ là tất yếu. Nhưng đến thời điểm đó chắc còn xa.
Số người muốn đi lao động nhiều, chi phí bỏ ra lớn cho mỗi người, đây sẽ là bài toán khiến cho các công ty tiếp nhận Nhật Bản trở nên khắt khe hơn. Những bạn thực sự muốn đi, hay tự lượng sức mình, và nếu đã muốn tham gia, bạn phải tìm hiểu thật kỹ các điều kiện tham gia chương trình kỹ năng đặc định. Và đương nhiên, hãy thật cố gắng.
Một điều các bạn cần chú ý, khi mới bắt đầu đặt chân tới Nhật Bản, VISA của các bạn là ngắn hạn, chỉ vài tháng mà thôi. Nếu rủi ro xảy ra có nguyên nhân từ phía các bạn (trình độ thấp, ngôn ngữ yếu…), thì các bạn có thể out bất cứ lúc nào, và người ta sẽ thay người khác. Lúc đó thì chỉ còn nước đi về mà thôi.
Nếu cần tìm hiểu thêm hay có thắc mắc gì, các bạn cứ để lại câu hỏi tại đây, hoặc gửi email cho mình theo địa chỉ admin@owlbrain.net nhé!