Hôm nọ tôi ghé một công ty gia đình người Nhật, giám đốc là bạn thâm giao với tôi đã hơn 12 năm. Ông cũng tuyển 4, 5 em thực tập sinh vào làm việc, thỉnh thoảng các em vẫn tâm sự với tôi là ông hay la, dễ gây áp lực, và hơi keo.
Bị ảnh hưởng do virus Vũ Hán; nhân dịp tôi tới, ông nhờ thông báo với các em là công ty hết việc. Tuy nhiên, thay vì cắt bớt nhân lực, ông sắp xếp các em thay phiên nhau nghỉ và những ngày nghỉ sẽ trả ít nhất 60% lương theo qui định chính phủ, cộng thêm 20% phụ đảm từ công ty. Ông nói: “Có thể lương ít hơn một chút so với trước đây nhưng từ trước tới giờ gia đình tôi không xài hoang phí, vẫn để dành tiền của công ty ở đó để sử dụng trong những trường hợp như thế này, do đó các em yên tâm; Thời gian nghỉ, cố gắng học tiếng Nhật”. Nhờ cái “keo” của ông mà các em được hiểu rõ công ty hơn trong thời buổi này.
Buổi chiều tôi ghé một công ty khác để hướng dẫn các em thi kỳ 2 trước khi hết 3 năm thực tập. Một em méc: Công ty bên cạnh trước đây nhận mười mấy kỹ sư, giờ cho nghỉ hết; có bạn sắp hết Visa mà công ty không gia hạn hợp đồng để xin Visa. Tìm công ty khác thì không có.
Nhận điện thoại từ một vị giám đốc quen khác, công ty bạn tao hết việc, giờ muốn trả thực tập sinh về nước về VN có được không vậy?
Cũng không ít em du học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở Nhật; liên lạc tới nhờ tôi tư vấn là các em đã xin được việc, chờ ngày đi làm, giờ công ty hủy hợp động mà Visa chỉ còn 2-3 tháng nữa, làm sao bây giờ?
Đây mới thực sự là mối lo lớn của các em. Tình hình chính phủ Nhật tuyên bố khẩn cấp toàn quốc, các xí nghiệp xe hơi tuyên bố tạm dừng sản xuất, công ty mậu dịch ngưng xuất nhập cảng hàng hóa, cửa tiệm dịch vụ đóng cửa v.v… Chắc chắn rất khó xin việc được lúc này trừ khi ngành của mình đáp ứng với nhu cầu thiếu nhân sự hiếm hoi của các công ty còn chạy được, và sự thất nghiệp hiện hữu.
Do đó nếu bạn kỹ thuật viên nào nghỉ công ty, nhanh chóng gởi Báo cáo kết thúc hợp đồng với công ty cũ (契約機関に関する届出 mẫu 1-5 契約の終了) cho Cục xuất nhập cảnh, trong đo nhớ ghi lý do cụ thể như: công ty không có việc, cho nghỉ. Để nếu thời gian tìm việc quá 3 tháng thì Cục họ còn thông cảm.
Tuy nhiên nếu Visa không còn hiệu lực mà chưa có công ty, vẫn cứ lên xin gia hạn kèm theo Tờ tường trình (理由書 hoặc 陳述書, nêu rõ nỗ lực tìm việc của mình nhưng do ảnh hưởng dịch nên chưa có công ty nhận. Nên nhớ đây chỉ là “chữa cháy” thôi, có thể họ cho thêm từng tháng một, mà trong thời gian đó không tìm ra công ty thì mình phải về nước; sau này kinh tế hồi phục, có công ty mới thì làm đơn xin tư cách lại như ban đầu.
Tôi không phải là luật sư hành chánh nên không thể nào tư vấn cụ thể và làm giải trình cho các trường hợp. Đây chỉ là một hướng dẫn để giải quyết nhất thời tình trạng khó khăn của các em kẹt Visa. Còn lại là do phán đoán của Cục.
Trong một bài viết hồi tháng 2 nêu lên cái mối “LO” sợ lập lại tình trạng hàng trăm kỹ thuật viên phải về nước vì ảnh hưởng Lehman shock; có bạn hỏi móc: Kỹ sư thì ai cho về nước được?
Giờ thì chắc bạn ấy đã hiểu.