100 ký gạo, tấm lòng của một cụ bà người Nhật dành cho người Việt

2 tuần trước, một em kỹ thuật viên quen biết với tôi có việc lên lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, tình cờ gặp một cụ già Nhật. Thấy cụ trao đổi với nhân viên lãnh sự, ngôn ngữ bất đồng, hỏi ra mới biết cụ là một nông dân ở Wakayama.

Gần đây thấy người Việt Nam phạm tội lên tivi khá nhiều với lý do là không có việc, nghỉ học, chờ về nước, túng thiếu làm liều đủ chuyện nên cụ muốn giúp đỡ 100 ký gạo cho những em đang lâm vào hoàn cảnh như trên, may ra cải thiện được chút hình ảnh của người VN trong con mắt người Nhật.

Rất tiếc là lãnh sự không biết nơi nào đang túng thiếu để giới thiệu cụ giúp đỡ. Cụ lủi thủi quay về làng cách đó hơn 60 cây số.

Tôi nghe câu chuyện mà lòng ấm áp! Bên cạnh những người Nhật cực đoan biểu tình đòi đuổi người Việt Nam về nước, những tia nhìn nghị kỵ với người lao động Việt trong công ty, còn có những tấm lòng trải rộng như đã từng đón chúng tôi cách đây 40 năm.

Điều đáng nói là cụ không bỏ cuộc, không biết bằng cách nào, một người quen với ông chủ tịch công ty tôi giới thiệu 100 ký gạo của cụ, hỏi có nơi nào thực sự cần thiết hay không. Ông chủ tịch bán cái cho tôi, thế là tôi nhận lời với tư cách là thành viên của “Nhà Hy Vọng” Hội bạn hữu Việt Nam và sẽ lên kế hoạch chuyển tới các đối tượng mà cụ mong muốn.

Nếu không phải 100 ký gạo mà là 100 ký vàng, chắc cụ không phải chạy ngược chạy xuôi như thế. Tuy nhiên, tôi sẽ nhận như 100 ký vàng từ tấm lòng của cụ.

Hôm qua tình cờ chạy ngang cái công ty đầu tiên đã nhận tôi vào làm việc lúc mới tới Nhật vào năm 81 dù tiếng Nhật lúc ấy rất bập bẹ. Chính phủ Nhật hỗ trợ công ty nửa tiền lương, giống như trả tiền học việc của tôi. Tháng 60.000 Yen (550$) trong vòng nửa năm,nhưng tôi hoàn toàn không hề hay biết (có giải thích tôi cũng không hiểu). Ông giám đốc công ty sai nhân viên làm cho tôi cuốn sổ ngân hàng, hàng tháng cho lại tôi số tiền hỗ trợ đó. Tôi cầm sổ ngân hàng mà không biết đó là gì vì mỗi tháng đã nhận đủ lương tay. Công việc được 2 năm, tôi nghỉ hãng, quên béng và làm thất lạc cuốn sổ.

10 năm sau, dù đã chuyển tới một nơi xa lạ, ngân hàng vẫn gởi đến cho tôi một cái phiếu ký lục tài khoản tên tôi, trong đó có con số 360.000 Yen cộng với tiền lời 10 năm khoảng 80.000 Yen, (Lợi tức ngân hàng hồi đó khá cao), tổng cộng được hơn 4.000 $US. Lúc bấy giờ tôi đã đủ trình độ để hiểu cái phiếu đó đúng là của mình. Hình ảnh ông giám đốc đưa cho tôi cuốn sổ ngân hàng xa xưa hiện lại. Đúng lúc tôi đang cần tiền để đóng học phí cao đẳng nửa niên học. Tôi vội chạy đi làm thủ tục nhận số tiền như trúng số và tới công ty cũ để cám ơn ông.

Mới biết ông đã qua đời.

Nhiều bạn Nhật vẫn hỏi tôi, “Mày tới Nhật lâu như vậy, không biết thích thời đại nào”, tôi trả lời không suy nghĩ, Showa – Chiêu Hòa. Vì lúc đó chẳng người Việt nào làm xấu và có nhiều người Nhật đã trải qua khổ cực sau chiến tranh thế giới lần 2 nên rất thông cảm với những nạn nhân chiến tranh như tôi.

Tuy nhiên con tôi sinh ra thời Bình Thành, trưởng thành thời Lệnh Hòa. Lớp thế hệ sau của người bản xứ cũng đã thay đổi ít nhiều suy nghĩ về người Việt Nam. Và bây giờ chính thế hệ con cháu mình phải làm đẹp lại hình ảnh đó bằng cách này hay cách khác.

(Tấm hình chụp vội sau 38 năm quay về chốn cũ, mái đỏ tầng 2 là căn gác buồn của tôi suốt 2 năm cô độc. Những đồng nghiệp xưa hình như chẳng còn ai…)

* Bài đã được chỉnh sửa lại để độc giả đọc được dễ hơn, tránh rối mắt!

Share this article
0
Share
Shareable URL
Prev Post

Ispace Inc. thành lập Trung tâm phát triển tàu đổ bộ mặt trăng tại Mỹ

Next Post

Người Nhật muốn sử dụng robot để giải quyết những thách thức mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read next
Chú ý: website có sử dụng cookies, tìm hiểu về chính sách tại đây.