Theo số liệu của Tổng cục cảnh sát Nhật, trong năm 2018, số vụ án hình sự do thủ phạm người Việt là 2993 vụ, đứng đầu và chiếm 31.3% tổng số vụ án do người nước ngoài tại Nhật (trong khi người Việt chỉ chiếm chừng 12.1% cộng đồng người nước ngoài). Tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, tội phạm bạo lực, tội phạm có tổ chức ít hơn so với các cộng đồng khác. Phần lớn là các vụ trộm cắp với 2428 vụ, chiếm trên 80%. Do vậy, thực chất phạm tội của người Việt có thể đánh giá là ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, tội trộm cắp lại dễ được truyền thông đăng tải, tạo nên dư luận xấu, không oan uổng nhưng có phần thiệt thòi.
Thêm một điểm cần lưu ý, khi nhìn vào số tội phạm hình sự người Việt theo tư cách cư trú (kể cả đối tượng cư trú bất hợp pháp) thì du học sinh và thực tập sinh chiếm lần lượt 41% và 27,6%. Nếu tính tỷ lệ tội phạm trên đầu người thì du học sinh cao hơn thực tập sinh tới 3 lần. Nó trái với quan điểm của nhiều người cho rằng thực tập sinh là đối tượng phạm tội chính. Ngoài ra, chỉ có 14.8% số người phạm tội hình sự là người cư trú bất hợp pháp. Điều này cũng trái với quan niệm thông thường. (Lưu ý đây là tội hình sự, còn việc cư trú bất hợp pháp bản thân nó đã là một tội được điều chỉnh theo luật khác)
Chế độ du học và thực tập sinh xuất phát từ mục đích tốt đẹp là giúp trang bị kiến thức và kỹ năng cho người nước ngoài để trở về xây dựng đất nước đã biến tướng thành hình thức du nhập lao động phổ thông cho thị trường Nhật. Thực tập sinh đi từ Việt Nam theo chế độ xuất khẩu lao động, và doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng đúng như lao động phổ thông. Chuyện này rõ ràng, không phải bàn cãi. Du học thì mập mờ hơn, vẫn hay được quảng cáo là “vừa học vừa làm”. Một phần đáng kể du học sinh ngay từ đầu đã không có mục đích học hành. Trên thực tế, số du học sinh làm ngang với lao động full-time trên 40h/tuần chiếm phần áp đảo. Hai đối tượng này, dù là người lao động thực thụ nhưng không có quyền được ký hợp đồng lao động và do vậy, không được hưởng quyền lợi đầy đủ của người lao động. Nhiều du học sinh đang phải đóng khoản học phí rất lớn thực chất không để học mà để có tư cách cư trú mà làm việc. Còn chế độ thực tập sinh đã bị một số tổ chức nhân quyền quốc tế coi là chế độ nô lệ kiểu mới. Khó khăn thậm chí bế tắc về kinh tế, nhất là trong du học sinh, là một trong những lý do chính gia tăng tội phạm.
Tính hai mặt nói trên có nguyên nhân từ việc luật pháp Nhật vốn không chấp nhận lao động phổ thông người nước ngoài. Trong khi đó, nhu cầu về lao động phổ thông rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng. Và cánh cửa được mở rộng để bù đắp lượng lao động thiếu hụt với chi phí hết sức rẻ rúng. Số lượng du học sinh và thực tập sinh tăng ồ ạt trong những năm gần đây là hệ quả của việc nới lỏng xét duyệt hồ sơ để đáp ứng đủ về số lượng. Một tình trạng phổ biến là hồ sơ được làm giả để đủ điều kiện. Phía Nhật Bản không phải là không biết, nhưng vẫn duyệt cho qua. Đương nhiên, chất lượng theo đó mà suy giảm. Càng nới lỏng thì tình trạng phạm tội càng nghiêm trọng. Và càng phình to thì quyền lợi của những thực thể bám vào nó để sống càng lớn mạnh.
Để giải quyết căn bản tình trạng trên thì trước hết phải giải quyết được mâu thuẫn nội tại của Nhật Bản. Do vậy, chế độ tiếp nhận lao động phổ thông đã được ban hành năm 2019. Với chế độ mới này, có thể xoá bỏ các hình thức lao động trá hình, đưa chế độ du học và thực tập sinh trở về hình hài vốn có. Như vậy, số lượng du học sinh và thực tập sinh có thể giảm tới 80 hay thậm chí 90%, nhưng chất lượng được đảm bảo và sẽ xoá sổ tình trạng phạm pháp như hiện tại. Vấn đề mới đặt ra là việc quản lý đối tượng lao động phổ thông vào theo visa mới. Để tránh đi theo vết xe đổ, tiêu chuẩn về tiếng Nhật và kỹ năng nghề đã được thiết lập, giúp sàng lọc tốt hơn. Điều kiện về quyền lợi được qui định chặt chẽ, tạo môi trường sinh hoạt và làm việc ưu việt hơn. Đúng ra, một chế độ như vậy đáng để được xúc tiến mạnh mẽ. Tuy nhiên, chế độ mới này hầu như đang bị “vô hiệu hoá” do vấp phải rất nhiều lực cản từ cả Nhật Bản và Việt Nam. Đây lại là một câu chuyện dài khác ngoài phạm vi bài viết này.
Ý kiến của cá nhân tôi là không nên nhìn nhận tình trạng phạm tội của người Việt tại Nhật một cách cảm tính như một nỗi nhục (trước người Nhật). Nếu như bạn chấp nhận hành vi tương tự tại Việt Nam, tại sao bạn lại chỉ trích gay gắt khi nó đang tái diễn tại Nhật Bản? Nhất là khi Nhật Bản cũng chẳng hề vô can. Việc giải quyết tình trạng này rõ ràng là công việc của chính phủ hai nước, nhưng nó không đơn giản chỉ là việc xử nặng làm gương hay tuyên truyền giáo dục. Nó đòi hỏi thể chế và quyết tâm chính trị, trong rắc rối các mối quan hệ quyền lợi. Còn với mỗi cá nhân người Việt trong cộng đồng, điều ai cũng có thể làm được là đừng vì lòng tham mà trộm cắp cho dù thấy nó dễ dàng như bày ra trước mũi. Và cũng đừng vì lòng tham mà sống với tiêu chuẩn kép, phê phán trộm cắp, nhưng lại điềm nhiên tiêu thụ đồ trộm cắp được.
PS: đừng đơn giản chỉ nhìn vào truyền thông.