Đây là một nỗ lực cung cấp các trọng tải (thiết bị mang theo vệ tinh/tàu vũ trụ), bao gồm thiết bị nghiên cứu, lên Mặt trăng để hỗ trợ nhiệm vụ trong tương lai của NASA.
Ispace đang tìm cách tăng cường khả năng phát triển tàu vũ trụ bằng cách thuê các kỹ sư có trụ sở tại Colorado, một trong những khu vực phát triển hàng không vũ trụ lâu đời nhất của Mỹ, để hỗ trợ chương trình Dịch vụ Tải trọng Thương mại Mặt trăng của NASA.
Chương trình Dịch vụ Tải trọng Thương Mại (CLPS) ra đời nhằm mục đích thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi và là tiền đề cho các phi hành gia hạ cánh trên bề mặt Mặt trăng vào năm 2024.
Đây là một phần của Hiệp định Artemis, một thỏa thuận do Mỹ dẫn đầu, nhằm thiết lập một bộ nguyên tắc để khám phá không gian, bao gồm cả việc khai thác tài nguyên mặt trăng. Nhật Bản đã tham gia khuôn khổ của hiệp định này cùng với 8 quốc gia khác tính đến tháng 11/2020.
“Chúng tôi tin rằng, chúng tôi có thể cung cấp giá trị cho Mỹ bằng cách bổ sung cho sự hợp tác sâu rộng giữa Mỹ và Nhật Bản về thăm dò Mặt Trăng, với tư cách là một nhà cung cấp dịch vụ thương mại hoạt động ở cả hai quốc gia”, Takeshi Hakamada, Giám đốc điều hành và người sáng lập Ispace, cho biết trong một thông cáo báo chí.
Ispace đã chọn khu vực Denver ở Colorado làm địa điểm phát triển tại nước ngoài đầu tiên, “chủ yếu là do khả năng tiếp cận tài năng” ở đó. Đồng thời cũng cho biết, họ sẽ “nhanh chóng tiến hành tuyển dụng một đội kỹ sư đầy đủ”.
Thông qua văn phòng tại Colorado, liên doanh Nhật Bản cho biết, họ sẽ thúc đẩy hợp tác với các công ty khác của Mỹ “để xây dựng một hệ sinh thái Mặt Trăng phát triển mạnh trong những năm tới”.
Về lâu dài, Ispace có kế hoạch sử dụng các tàu thăm dò được lắp đặt trên tàu đổ bộ Mặt trăng để xác định trữ lượng nước nơi đây. Nước là thứ sẽ tạo ra hai nguyên tố oxy và hydro, chúng sẽ được sử dụng làm nhiên liệu bổ sung cho các chuyến thám hiểm không gian xa hơn khởi hành từ Mặt trăng.
Junji Orihashi, phát ngôn viên của ispace cho biết, họ thành lập một chi nhánh tại Mỹ do các nhà sản xuất tàu vũ trụ tham gia vào dự án của NASA được yêu cầu sử dụng hơn 50% các linh kiện do Mỹ sản xuất, và phải lắp ráp hoàn thiện tại Mỹ.
Thống đốc Jared Polis của bang Coloradođã ra một thông cáo riêng, sau thông báo của Ispace, rằng Colorado là “một khu vực hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực hàng không vũ trụ”. Và bởi vậy, nơi đây là một địa điểm tốt để phát triển cho doanh nghiệp.
Trong số 50 bang của Mỹ, Colorado có khoảng 30.000 nhân viên hàng không vũ trụ khu vực tư nhân vào năm 2019, đứng thứ hai sau hơn 63.000 người của California, theo nguồn tin từ một quan chức chính quyền địa phương.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ cho biết, họ đang lên kế hoạch cho ít nhất hai chuyến giao hàng lên Mặt trăng mỗi năm, bắt đầu từ năm 2021 từ các hợp đồng CLPS, với tổng giá trị dự kiến đạt khoảng 2,6 tỷ USD đến tháng 11/2028.
Công ty khởi nghiệp ispace của Nhật Bản đã được giao nhiệm vụ thiết kế tàu đổ bộ mặt trăng, và họ là một phần của nhóm do Phòng thí nghiệm Charles Stark Draper dẫn đầu. ispace là một trong 14 công ty được phép đấu thầu các vị trí giao nhận mặt trăng, cung cấp thông qua chương trình CLPS.
Orihashi, Giám đốc truyền thông của ispace cho biết, ngoài chương trình của NASA, một nhóm kỹ sư họ hiện đang phát triển hai tàu đổ bộ có trọng lượng từ 300 đến 400 kg mỗi tàu, dự kiến phóng vào năm 2022 và 2023. Với mục đích trở thành công ty tư nhân Nhật Bản đầu tiên hạ cánh lên Mặt trăng.
Còn trụ sở tại Colorado của ispace sẽ phụ trách phát triển tàu đổ bộ thế hệ tiếp theo, có trọng lượng nặng hơn những tàu hiện đang được phát triển, chúng sử dụng cho các nhiệm vụ trong tương lai. ispace sẽ tìm cách mở rộng quy mô, thuê các kỹ sư tại địa phương để “thành lập một đội có quy mô gần tương đương với quy mô ở Tokyo”.
Tuy nhiên, khung thời gian cho các nhiệm vụ liên quan đến tàu đổ bộ thế hệ tiếp theo vẫn chưa được xác định, ông nói thêm.