Trên thế giới ngày nay, những nhóm người ủng hộ cần sa tổ chức lễ hội cần sa hàng năm vào ngày 20/4. Tại sao họ ủng hộ? Có lẽ, ta cần xem xét lại các mối liên hệ từ lịch sử và văn hóa Nhật Boá, với loại cây bị dán nhãn có “nhiều đặc tính không tốt” này.
Khi Junichi Takayasu lên 3 tuổi, có một cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời cậu bé mãi mãi. Cậu đã xem hình ảnh về các ninja ở đây, cách họ được huấn luyện ra sao. Tuy nhiên, điều khiến làm cậu bé thích thú nhất không phải là kỹ năng tàng hình của các ninja, hay các vũ khí bí mật, mà là cách họ sử dụng một loại cây rất đặc biệt.
Takayasu nói: “Cuốn sách này cho thấy, các ninja được huấn luyện bằng cách nhảy qua cây cần sa. Mỗi ngày, họ phải nhảy cao hơn, cao hơn nữa, vì cây cần sa phát triển rất nhanh. Rồi tôi đã làm mẹ mình kinh ngạc khi nói với bà rằng, khi lớn, con muốn trồng cây cần sa”.
Thật dễ dàng hình dung ra khi đó, mẹ của Takayasu đã thất vọng trước ước muốn của con trai mình như thế nào. Đạo luật chống cần sa của chính phủ Nhật Bản là một trong những luật nghiêm nhất trên thế giới. Chỉ cần sở hữu một lượng nhỏ, người đó sẽ phải chịu phạt bằng bản án 5 năm tù, còn người trồng trọt để kinh doanh sẽ phải trả giá bằng ít nhất 7 năm sau song sắt.
Tuy nhiên, Takayasu không để tâm điều này, không để nó cản trở ước mơ của anh. Và giờ đây, hơn 40 năm sau, anh đã trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về cần sa và là người quản lý Taima Hakubutsukan, một bảo tàng quốc gia duy nhất dành riêng cho cần sa.
Khai trương vào năm 2001 tại thị trấn Nasu, tỉnh Tochigi, cách Tokyo khoảng 160 km về phía bắc. Sứ mệnh của bảo tàng là để truyền lại cho thế hệ sau về lịch sử của cần sa ở Nhật Bản, một quá khứ mà Takayasu tin rằng, nó đã bị bôi nhọ và lãng quên quá lâu.
Lịch sử về cần sa ở Nhật Bản
Takayasu nói: “Hầu hết người Nhật coi cần sa là một nét văn hóa phụ của Nhật Bản nhưng họ đã nhầm. Cần sa đã là trung tâm của văn hóa Nhật Bản trong hàng nghìn năm.”
Theo Takayasu, sự xuất hiện của cần sa ở Nhật Bản sớm nhất có từ thời Jomon (10.000 năm đến 200 năm trước Công nguyên), với bằng chứng là các di vật gốm sứ được tìm thấy ở tỉnh Fukui, có chứa hạt và mảnh vụn của sợi cần sa dệt. Anh nói: “Cần sa là nguyên liệu quan trọng nhất đối với người tiền sử ở Nhật Bản. Họ mặc quần áo làm từ sợi của nó, và họ sử dụng cả cho dây cung và dây câu cá.”
Có khả năng, giống cần sa được sử dụng làm sợi vải ở Thời kỳ Jomon là loại sativa. Đây là giống cần sa có khả năng phát triển mạnh, có giá trị cao, và thân cây chắc khỏe. Đó cũng là giống sativa, tiền thân cho loại sativa lai tạo ngày nay để thực hiện trồng công nghiệp.

Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, cần sa tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ở Nhật Bản – đặc biệt là đối với Thần đạo, tôn giáo của nước Nhật. Cần sa được tôn sùng vì khả năng làm sạch của chúng, và các tu sĩ thường vẩy những bó lá cần sa trước các tín đồ để ban phước, xua đuổi tà ma. Ý nghĩa này vẫn tồn tại cho đến ngày nay với những sợi dây dệt từ sợi cần sa được sử dụng để hành lễ, hiện vẫn được trưng bày tại các đền thờ. Ngoài ra, các tu sĩ Thần đạo còn sử dụng cả lớp vỏ màu vàng trên thân cây cần sa trang trí chiếc đũa phép của họ.
Không chỉ trong tôn giáo, Cần sa cũng rất quan trọng trong cuộc sống của những người dân bình thường. Theo nhà sử học George Foot Moore, những khách hành hương trong xa xưa thường dâng những lễ vật, có sử dụng lá cần sa tại các ngôi đền ven đường để cầu cho hành trình an toàn. Ông cũng đề cập, trong lễ hội Bon mùa Hè, các gia đình Nhật Bản đã đốt những bó cần sa trước cửa nhà để chào đón linh hồn người chết trở về.
Cho đến giữa thế kỷ 20, cần sa đã được trồng khắp đất nước Nhật Bản, đặc biệt là ở vùng Tohoku và Hokkaido. Không chỉ trong đời sống thực, cần ca cũng thường xuyên xuất hiện trong văn học của Nhật. Ví như việc đề cập đến cây cần sa trong quá trình huấn luyện ninja. Cần sa cũng xuất hiện trong tập thơ cổ nhất Nhật Bản “Manyoshu”, và cuốn sách in khắc gỗ của Thời kỳ Edo (1603-1868), “Wakoku Hyakujo”. Trong các thơ haiku cũng vậy, lời thơ mô tả các giai đoạn trồng cần sa ra sao mỗi khi đến mùa.
Takayasu nói: “Việc trồng cần sa thường diễn ra quanh năm. Hạt giống được nông dân gieo trồng vào mùa Xuân, thu hoạch vào mùa Hè. Sau đó, thân cây được đem phơi khô, rồi ngâm và trở thành sợi. Trong suốt mùa Đông, những sợi gai dầu này được dệt thành vải, và may thành quần áo sẵn sàng để mặc cho mùa gieo trồng tiếp theo”.

Với việc cần sa đã đóng một vai trò quan trọng cả về vật chất và tinh thần như vậy, đối với đời sống của người dân Nhật Bản, một câu hỏi hiển nhiên hay được đặt ra: “Vậy người Nhật trước đây đã hút nó chưa?”.
Takayasu và các chuyên gia khác về cần sa Nhật Bản không dám chắc về điều đó. Mặc dù các ghi chép lịch sử không đề cập đến hoạt động này, nhưng một số nhà sử học vẫn suy đoán rằng, cần sa có thể là loại thuốc được bình dân lựa chọn. Trong khi gạo, và rượu sake được ủ từ gạo là độc quyền dành cho các tầng lớp thượng lưu, thì cần sa lại được trồng rộng rãi và được bán tự do.
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy hàm lượng tetrahydrocannabinol (THC) có trong cây cần sa ở Nhật Bản là rất cao. Đây chính là chất khiến cho những người hút cần sa có cảm giác “phê”. Theo một cuộc khảo sát do Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm công bố năm 1973, các cây cần sa ở tỉnh Tochigi và Hokkaido có mức THC lên tới 3,9% và 3,4%. Để so sánh, Dự án Giám sát Hiệu ứng Cần sa của Đại học Mississippi tiết lộ rằng, mức THC trung bình trong cần sa bị cảnh sát Mỹ thu giữ vào những năm 1970 chỉ khoảng 1,5% mà thôi.
Ngoài việc coi cần sa như một nguyên liệu dành cho sản xuất vải, người Nhật cũng không hề có cái nhìn tiêu cực với việc tận dụng những lợi ích chữa bệnh của cần sa. Từ lâu, các phương pháp chữa trị dựa trên cần sa đều được các cửa hàng thuốc tại Nhật Bản sử dụng đầu thế kỷ 20, ví dụ như điều trị chứng mất ngủ hay giảm đau.
Lệnh cấm cần sa
Tuy nhiên, những năm 1940 – cụ thể là Thế chiến II – đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong câu chuyện sản xuất cần sa của Nhật Bản.
Vào đầu thập kỷ này, người nông dân trồng cần sa tại Nhật Bản có một thời kỳ phát triển rất tốt. Takayasu nói: “Trong Chiến tranh thế giới thứ II, có một câu nói trong quân đội rằng, không có cần sa thì chiến tranh không thể thực hiện được. Cần sa được phân loại là nhu yếu phẩm phục vụ chiến tranh, sợi cần sa được hải quân sử dụng làm dây thừng, còn không quân dùng làm dây dù. Khi đó, ở tỉnh Tochigi, một nửa số cây trồng cần sa được trồng là dành cho quân đội”.
Tuy nhiên, sau thất bại của nước Nhật vào năm 1945, chính quyền Mỹ đã chiếm đóng Nhật Bản và mang theo thái độ của người Mỹ đối với cần sa. Washington đã cấm cần sa ở Mỹ vào năm 1937, và rồi họ áp đặt lệnh cấm đó ở Nhật Bản. Tháng 7/1948, với sự chiếm đóng của Mỹ, quốc gia này đã thông qua Đạo luật Kiểm soát Cần sa – đạo luật ấy vẫn là cơ sở của chính sách chống cần sa ở Nhật Bản ngày nay.
Có một số giả thuyết khác nhau về nguyên nhân tại sao Mỹ lại muốn cấm cần sa ở Nhật Bản. Một số người tin rằng, chính phủ Mỹ thực sự mong muốn bảo vệ người dân Nhật Bản khỏi tệ nạn “ma tuý” (sau khi thông qua đạo luật, cần sa bị xếp vào danh mục ma tuý). Nhưng trong khi đó, người khác lại chỉ ra rằng, Mỹ cho phép việc mua/bán amphetamine mà không cần có bác sĩ kê đơn đến năm 1951, nếu cần sa tồn tại, nó sẽ cạnh tranh với amphetamine.
Một số chuyên gia về cần sa còn cho rằng, lệnh cấm này là do sự vận động hành lang của nhóm lợi ích ngành công nghiệp hóa dầu của Mỹ. Họ nỗ lực đóng cửa ngành công nghiệp sợi cần sa của Nhật Bản, mở cửa thị trường cho các vật liệu nhân tạo như polyester và nylon, những sản phẩm phụ của ngành hoá dầu.
Còn Takayasu thì nhận định, lệnh cấm cần sa này còn đến từ việc rộng hơn nữa, Mỹ muốn giảm sức mạnh của quân đội Nhật Bản.
Anh nói: “Nó cũng giống như cách mà các nhà chức trách Mỹ không khuyến khích kiếm đạo và judo. Đạo luật Kiểm soát Cần sa năm 1948 là một cách để phá hoại chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật Bản. Ngành công nghiệp cần sa thời chiến đã thống trị đến mức Đạo luật Kiểm soát Cần sa được thiết kế để tước bỏ quyền lực của nó”.

Nhưng dù động cơ là gì, quyết định cấm cần sa của Mỹ đã tạo ra sự hoảng sợ trong giới nông dân Nhật Bản. Trong nỗ lực xoa dịu nỗi sợ hãi của họ, Nhật hoàng Hirohito đã đến thăm tỉnh Tochigi trong những tháng trước khi có lệnh cấm để trấn an nông dân, rằng họ sẽ có thể tiếp tục phát triển bất chấp luật mới – một tuyên bố mang tính “lật đổ” đáng ngạc nhiên.
Trong vài năm sau đó, Nhật hoàng đã chứng minh những lời cam kết của mình, việc trồng cần sa tiếp tục không suy giảm. Ví dụ, vào năm 1950, có khoảng 25.000 nông trại trồng cần sa trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong những thập kỷ tiếp theo, con số này đã giảm mạnh. Takayasu cho rằng, sự suy giảm số lượng trang trại này là do nhu cầu sụt giảm, bởi sự phổ biến của sợi nhân tạo. Thêm nữa, chi phí để có được giấy phép là không hề nhỏ, thứ mà nông dân trồng cần sa phải có theo đạo luật năm 1948.
Cần sa tại Nhật Bản ngày nay
Hiện nay, Takayasu cho biết, có ít hơn 60 trang trại trồng cần sa được cấp phép ở Nhật Bản – tất cả đều được yêu cầu trồng các dòng cần sa có mức THC tối thiểu. Với số lượng nông dân quá thấp, Takayasu lo ngại cho tương lai của ngành cần sa trong nước. Theo như những gì anh biết, cả nước chỉ còn duy nhất một người thông thạo toàn bộ chu trình gieo hạt. Người đó đã 84 tuổi và khi bà chết, Takayasu lo sợ, sự hiểu biết của bà cũng sẽ biến mất theo.
Đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này, Takayasu quyết tâm bảo tồn văn hóa trồng cần sa của Nhật Bản. Anh tổ chức rất nhiều các chuyến tham quan hàng năm tới các trang trại hợp pháp gần bảo tàng của mình, để cho du khách tận mắt thấy, việc trồng cần sa sử dụng không gian thế nào, và nó cần rất ít hóa chất nông nghiệp so với các loại cây trồng. khác. Ngoài ra, Takayasu tổ chức các hội thảo hàng tháng để dạy mọi người về cách dệt sợi cần sa. Trong bảo tàng, rất nhiều loại quần áo làm từ cần sa được trưng bày; Chất liệu mềm mại với màu kem đặc trưng, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, hoàn toàn phù hợp với khí hậu Nhật Bản.
Trong số những người hâm mộ bảo tàng, còn có các nhân viên của sở cảnh sát địa phương, họ ca ngợi nỗ lực của anh trong việc phục hồi nền kinh tế nông thôn. Họ cũng thường đến thăm bảo tàng để tìm hiểu thêm về loài cỏ dại sống ngoài vòng pháp luật này.
Tất cả những điều này là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Takayasu đối với loại cây đặc biệt, mà anh bắt gặp lần đầu khi còn là một cậu bé 3 tuổi.
“Người Nhật ngày nay có cái nhìn tiêu cực về cần sa, nhưng tôi muốn họ hiểu sự thật, và muốn bảo vệ lịch sử của nó,” anh nói. “Chúng ta càng tìm hiểu nhiều về quá khứ, chúng ta càng có thể nhận được nhiều gợi ý về cách sống tốt hơn trong tương lai”.