Xu hướng bán hàng qua live stream của các công ty Nhật Bản

Từ trụ sở chính của Ryukakusan ở Tokyo, Fujii thực hiện một buổi bán hàng qua live stream, hướng dẫn khách hàng chọn sản phẩm và giải thích chi tiết về chúng. Cùng với ông, có các đồng nghiệp ngồi cạnh giúp đỡ để phiên dịch sang tiếng Trung Quốc.

Ông trực tiếp trả lời các câu hỏi của người xem, những người có thể mua ngay sản phẩm họ muốn chỉ bằng một cú nhấp chuột tại gian hàng online của công ty, nằm trên nền tảng thuộc sở hữu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, nơi giờ đây cũng cung cấp dịch vụ phát live stream để bán hàng.

Thông qua buổi phát live stream, người bán có thể giới thiệu sản phẩm của họ và trả lời các câu hỏi của người mua hàng trong thời gian thực.

Ryukakusan đã bắt đầu tiếp cận người tiêu dùng ở Trung Quốc, một thị trường đang bùng nổ mạnh mẽ về thương mại điện tử, sau khi lượng khách du lịch tới Nhật Bản suy giảm do hạn chế đi lại giữa đại dịch Covid-19.

“Đó là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Tôi không biết rằng, có nhiều khách hàng Trung Quốc biết đến sản phẩm của chúng tôi như vậy”, ông Fujii nói. Ông là Chủ tịch thứ 8 của nhà sản xuất thuốc gia truyền có tuổi đời hơn một thế kỷ.

“Tôi rất vui khi trực tiếp nghe họ nói rằng sản phẩm của chúng tôi tốt và họ muốn mua nhiều hơn.”

Ryuta Fujii

Thương mại điện tử trực tiếp là “một công cụ tiếp thị hiệu quả cao” để thu hút khách hàng Trung Quốc, vào thời điểm mà lệnh cấm du lịch vẫn còn được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới vì đại dịch bùng phát, cũng như để hiểu thêm về suy nghĩ của họ đối với các sản phẩm Ryukakusan”, ông cho biết thêm.

Sản phẩm trụ cột chính của công ty là các loại thuốc thảo dược dạng bột mịn Ryukakusan trị viêm họng, ho và các bệnh về cổ họng khác. Đây là một trong những mặt hàng phổ biến nhất mà khách du lịch Trung Quốc hay mua khi đến thăm Nhật Bản, nơi mà các sản phẩm quốc nội luôn hấp dẫn với danh tiếng về độ an toàn cũng như về chất lượng.

Hình ảnh ông Ryuta Fujii, Chủ tịch công ty dược phẩm Ryukakusan Co., cùng với hai nhân viên người Trung Quốc, trả lời các câu hỏi từ khách hàng Trung Quốc trong một buổi bán hàng qua live stream tại trụ sở chính ở Tokyo | Kyodo
Hình ảnh ông Ryuta Fujii, Chủ tịch công ty dược phẩm Ryukakusan Co., cùng với hai nhân viên người Trung Quốc, trả lời các câu hỏi từ khách hàng Trung Quốc trong một buổi bán hàng qua live stream tại trụ sở chính ở Tokyo | Kyodo

Ryukakusan năm ngoái đã thành lập cửa hàng trực tuyến đầu tiên của mình trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Tmall Global của Alibaba. Và đôi khi họ còn mời được những người có uy tín về tư vấn mỹ phẩm hàng đầu Trung Quốc, trong đó có cả Li Jiaqi, người được gọi là “Vua son môi”, để giúp quảng bá sản phẩm của mình.

Để làm tăng thêm sự gần gũi với khách hàng, ông Fujii đôi lúc còn huýt sáo trong các buổi bán hàng qua live stream khi trò chuyện với khách hàng của mình.

Bán hàng qua live stream giống như một kênh truyền hình bán hàng, nhưng mua sắm trực tuyến, thường được tổ chức bởi những người có ảnh hưởng với khách hàng để quảng bá sản phẩm, hoặc những người nổi tiếng trên mạng đã ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong bốn năm qua.

Trích dẫn dữ liệu do công ty kế toán quốc tế KPMG, chi nhánh nghiên cứu của Alibaba AliResearch, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (một tổ chức được chính phủ hậu thuẫn nhằm thúc đẩy thương mại) cho biết vào tháng 10 rằng, thị trường bán hàng qua live stream của Trung Quốc ước tính sẽ tăng lên 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (309 tỷ USD) vào năm 2021.

Khi nhu cầu trong nước đã mất đi do lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch nước ngoài, và nhu cầu của khách hàng trong nước vẫn chậm chạp do người dân ở nhà nhiều hơn, các công ty Nhật Bản khác đã bắt đầu bán sản phẩm cho người tiêu dùng Trung Quốc thông qua livestream để bù lỗ doanh thu, cũng như thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Ví dụ, nhà sản xuất mỹ phẩm Shiseido đang mở rộng sự hiện diện thương mại điện tử của mình ở Trung Quốc, sau khi nhu cầu trang điểm ở nhà tăng cao, do nhiều phụ nữ bắt đầu làm việc từ xa và đeo mặt nạ khi ra khỏi nhà.

Shiseido đã tiến hành buổi bán hàng qua live stream đầu tiên thông qua Tmall Global trong chương trình khuyến mại Ngày Độc thân của Alibaba, thường được tổ chức vào ngày 11/11 hàng năm (hay còn gọi là “Double 11”). Đây là một trong những sự kiện mua sắm trực tuyến hàng năm lớn nhất thế giới, thu về tổng cộng 498,2 tỷ nhân dân tệ doanh số bán hàng vào năm ngoái.

Khi đó, đã có hơn 300.000 khán giả đã theo dõi buổi live stream của Shiseido cho nhãn hàng trang điểm “Maquillage”, xếp hạng nhất trong số các công ty làm live stream trong cùng một khoảng thời gian, theo Shiseido.

Các chuyên gia tư vấn làm đẹp của Công ty Shiseido đang quảng cáo các sản phẩm thông qua một buổi phát live stream ở Tokyo | Kyodo
Các chuyên gia tư vấn làm đẹp của Công ty Shiseido đang quảng cáo các sản phẩm thông qua một buổi phát live stream ở Tokyo | Kyodo

Các công ty Nhật Bản cũng đang hy vọng, sẽ quảng bá bán hàng qua live stream cho khách hàng trong nước. Tuy nhiên, rất ít người tiêu dùng Nhật Bản thích ứng với phương thức mua sắm này, khiến một số công ty thương mại điện tử lớn, chẳng hạn như nhà điều hành ứng dụng chợ trời Mercari Inc., phải chấm dứt dịch vụ thương mại điện tử qua livestream của họ.

Ông Kazunori Kawai của Mitsubishi UFJ Research and Consulting cho biết, “Số lượng các công ty trong nước sử dụng phướng thức bán hàng qua live stream ngày càng tăng do sự bùng phát của virus. Nhưng hầu hết trong số họ, ban đầu chỉ nhằm mục đích củng cố hình ảnh thương hiệu hơn là tăng doanh số bán hàng”.

Nhưng Kawai cũng cho rằng, phương thức bán hàng qua live stream sẽ trở nên phổ biến, và thị trường sẽ mở rộng lâu dài.

Ông nói thêm “Tôi không nghĩ người Nhật không thích xem video và mua hàng. Tuy nhiên, khi nói đến bán hàng qua live stream, nhận thức của mọi người vẫn chưa cao lắm”. Đồng thời cho rằng phương pháp này có thể bị coi là một sự thay thế kém so với mua sắm qua TV tại nhà, trong khi mọi người có xu hướng ngần ngại khi mua các sản phẩm do những người có ảnh hưởng không quen giới thiệu.

“Nó sẽ trở nên phổ biến khi nó trở nên phổ cập hơn, và mọi người có thể tìm thấy những người có ảnh hưởng (với sản phẩm) phù hợp với nhu cầu của họ”, ông Kawai nói.

Một phần trong nỗ lực khuyến khích sự phổ biến của bán hàng qua live stream, Dentsu Tec Inc., một công ty con của công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản Dentsu Inc., đã ra mắt dịch vụ “Influencer Commerce Solution” vào tháng 10.

Nó hỗ trợ mở rộng doanh số bán hàng thông qua thương mại điện tử trực tiếp, bằng cách sử dụng những người có ảnh hưởng thay cho những nhà tiếp thị đang nỗ lực để thúc đẩy doanh số bán hàng, cũng như nhận thức về thương hiệu và lòng trung thành, về lâu dài.

Năm ngoái, Shiseido cũng đã ra mắt gian hàng thương mại điện tử trực tiếp cho người tiêu dùng trong Nhật Bản khi cuộc sống và thói quen mua sắm của người dân bị thay đổi mạnh mẽ do đại dịch. Dự kiến ​​công ty sẽ tập trung vào việc mở rộng dịch vụ trong tương lai.

Mana Koide, phát ngôn viên của Shiseido cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thương mại điện tử trực tiếp ở Nhật Bản và nước ngoài để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, và tìm kiếm khách hàng mới”.

Ông Hideki Tanaka thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tương lai Fujitsu cho biết, thách thức của thị trường bán hàng qua live stream ở Nhật Bản là thu hút nhiều người hơn tham gia, và tạo ra nội dung có thể giữ chân họ.

Tanaka nói: “Nếu bạn chỉ nói chuyện một chiều, điều đó sẽ không khác gì mua sắm trên TV. Sử dụng live stream có nghĩa là bạn có thể giao tiếp, vì vậy bạn cần phải làm những việc như trả lời nhanh nếu nhận được câu hỏi.”

Ông Fujii của Ryukakusan cũng nhấn mạnh, tầm quan trọng của tính tương tác trong việc bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng.

Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta nên luôn phải để mắt đến sự phát triển của phương thức kinh doanh mới. Tôi thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thương mại điện tử trực tiếp, vì nó cho phép chúng tôi tương tác với khách hàng thực tế một cách nhanh chóng và trực tiếp.”

Share this article
0
Share
Shareable URL
Prev Post

Nhật Bản: Phát hiện thêm một biến thể mới của Covid-19 đến từ Brazil

Next Post

Phát hiện chiếc mũ sắt được cho là của các chiến binh Mông Cổ ở Kyoto

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read next
Chú ý: website có sử dụng cookies, tìm hiểu về chính sách tại đây.