Đại dịch covid-19 ập tới, ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh Công viên Nara, thành phố Nara. Những con hươu ở Nara cũng vậy, có những con đang sống tốt lên, nhưng có cả những con vật vờ, nghiện ngập.
Trong khi một số con hươu đã rời đi, tìm đến một cuộc sống khác, gần gũi với thiên nhiên hơn, do lượng khách du lịch giảm. Nhưng một số con hươu khác thì lại dường như bị mắc kẹt vào một cuộc sống phụ thuộc vào Senbei, và trở nên gầy yếu. Senbei là một loại bánh mà du khách hay mua tại đây rồi cho hươu ăn.
Có khoảng 1.300 con hươu sống xung quanh Công viên Nara. Số lượng khách du lịch đến thăm Công viên Nara là 13 triệu người/năm, và lượng senbei được bán ra vào khoảng 20 triệu cái. Hầu hết trong số 900 con hươu, không bao gồm 400 con được nuôi trong khu chăm sóc Rokuen (鹿苑), đang tiêu thụ số senbei kia. Một phép tính đơn giản để thấy, trung bình mỗi con ăn hơn 60 cái hàng ngày.
Mỗi chiếc bánh senbei có trọng lượng khoảng 3-4 gam, cũng chỉ là một “bữa ăn nhẹ”, so với 5kg cỏ chúng ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của nó cao hơn so với cỏ. Trước kia, tại các vị trí khách du lịch mua senbei, hươu nai thường đứng tập trung đông, chờ đợi được cho ăn, chúng rất thích. Tuy nhiên, khi đại dịch covid-19 ập tới, khách du lịch biến mất, doanh số bán senbei giảm mạnh. Và, cuộc sống của loài hươu nơi đây cũng thay đổi theo.
Một cuộc khảo sát do Trợ lý giáo sư Shiro Tachizawa (Bảo tồn Hệ sinh thái) thuộc Đại học Hokkaido, và Hiệp hội Bảo vệ Hươu của Nara thực hiện cho thấy, số lượng hươu ở trung tâm Công viên Nara đang giảm dần. Trước và sau khi đại dịch lây lan, số lượng hươu xuất hiện vào ban ngày ở trung tâm công viên giảm mạnh từ 71,9% trong tháng 1 xuống 50,2% vào tháng 6. Vào buổi đêm, tháng 1 là 56,5% và tháng 6 là 34,9%, cả hai đều giảm hơn 20%. Tachizawa chỉ ra rằng, “cơ hội kiếm được thức ăn từ khách du lịch giảm xuống, và số lượng hươu đi bộ xung quanh tìm cỏ làm thức ăn chính tăng lên.”
Trong khi số lượng hươu ở Công viên Nara giảm, số lượng hươu nằm nghỉ trên bãi cỏ trong ngày lại tăng từ 19,3% lên 59,1%. Hươu là loại động vật nhai lại, hấp thụ chất dinh dưỡng bằng cách đưa cỏ đã nuốt vào miệng và nhai lại, nghỉ ngơi là thời điểm rất quan trọng cho sự nhai lại đó. “Nếu chúng quay trở lại chế độ ăn hoang dã, hươu có thể khỏe mạnh lên hơn”, Tachizawa kỳ vọng.
Và người ta đã nhận ra có dấu hiệu cải thiện. Trước đại dịch, người ta đã phát hiện ra phân lỏng của hươu rơi vãi khu vực công viên. Nhưng giờ đây, phân hươu có màu đen, hình tròn và dạng hạt, mọi thứ đang trở lại bình thường. Rie Maruko, bác sĩ thú y của Hiệp hội Bảo vệ Hươu Nara cho biết, “Nếu hươu ăn nhiều senbei, đồ ngọt của du khách cho, hệ vi khuẩn đường ruột mất cân bằng, hươu sẽ đi phân lỏng”. Lượng phân lỏng hiện đã giảm đi đáng kể, sức khỏe của hươu có vẻ như đang được cải thiện tổng thể.
Mặt khác, một số con hươu đã gầy đi vì chúng không còn có thể nhận thức ăn từ du khách. Theo trợ lý giáo sư Tachizawa, “những con hươu này thường lang thang ở những điểm hay có nhiều du khách trước đây, chẳng hạn như Bảo tàng quốc gia Nara, thay vì ăn cỏ. Và có thể chúng là những con đã bị nghiện Senbei”.
Trong một cuộc khảo sát trước đây, một số con hươu đã ăn hơn 200 senbei mỗi ngày, nhiều hơn hẳn những con khác. Tachizawa suy đoán, “việc quen nhận thức ăn từ người, và khó thích nghi với những thay đổi của môi trường là chuyện bình thường”.
Cuộc sống của người dân đã thay đổi đáng kể khi đại dịch xảy ra, và những con hươu ở Nara cũng không ngoại lệ, chúng đang buộc phải thay đổi.