Nghiêm Đảo Thần Xã

Đền Itsukushima

Đền Itsukushima hay còn gọi là Nghiêm đảo thần xã (厳島神社) nằm ở đảo Itsukushima, thành phố Hatsukaichi, Hiroshima. Với diện tích cực lớn, lên tới 431.2ha.

Thực ra ở Nhật có tới 500 thần xã mang tên Itsukushima, nhưng bởi vì quá nổi tiếng nên thường khi nói đến Itsukushima, là người ta nghĩ đến đền ở đây.

Theo nhiều tài liệu ghi lại, đền Itsukushima được xây vào khoảng năm 593. Còn hiện trạng hiện nay của ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ thứ VII (chưa xác định năm). Trong thư tịch cổ 延喜式神名帳えんぎしきしんめいちょう (- năm 811) có ghi 安芸国佐伯郡 伊都伎嶋神社.

Đền Itsukushima nhìn từ xa
Đền Itsukushima nhìn từ xa

Trong tài liệu này, thần xã Itsukashima được xếp vào hạng đền nổi tiếng. Kiến trúc hiện tại của ngôi đền có từ năm 1168, thuộc dạng kiến trúc Shinden-dzukuri. Đây là kiểu kiến trúc được phát triển vào thời kỳ Heian (794 ~ 1185), ứng dụng chủ yếu trong việc xây dựng cung điện, nơi ở của quý tộc.

Năm 1871, đền này được xếp vào hàng đền miếu cấp quốc gia. Năm 1911 lại được thăng hạng thành đền miếu hoàng gia. Và vào năm 1996, Đền Itsukushima được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Đền Itsukushima là một ngôi đền Thần giáo được xây dựng để thờ phụng ba vị thần biển:

  • Thần Ichikisimahime (市杵島姫神いちきしまひめ)
  • Thần Tagorihime (田心姫神たごりひめ)
  • Thần Tagitsuhime (湍津姫神たぎつひめ)

Công trình không chỉ là niềm tự hào của người Nhật về kiến trúc mà còn là một di sản tâm linh được mọi người dân đất nước mặt trời mọc hướng về.

Mùa hoa Anh Đào nở
Mùa hoa Anh Đào nở

Trong ngôi đền có lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhiều vật dụng được xem như Quốc bảo của nền văn hóa Nhật.

Tại mặt biển Seto, cổng Otorii (大鳥居おおとりい) hướng thẳng tới đền thờ Itsukushima và cũng chính là biểu tượng của đảo Miyajima (宮島みやじま). Cổng có chiều cao 16m, mái dài 24m với sức nặng lên tới 60 tấn. Riêng những cây cột chính được làm từ những cây gỗ độc mộc, có đường kính lên tới 1m. Cổng Otori tự đứng vững bằng kết cấu khung của mình, không hề có bộ phận nào chôn dưới mặt đất. Điều đó có được nhờ vào chính sức nặng khủng khiếp của cổng. 

Kể từ khi được xây dựng lần đầu tiên vào cách đây 1400 năm, cổng đã phải được sửa chữa, dựng lại đến vài lần. Chiếc cổng mà bạn đang thấy ngày nay có niên đại hơn 140 năm.

Cổng Otorii như bồng bềnh trên biển
Cổng Otorii như bồng bềnh trên biển

Cũng bởi ngôi đền được xây dựng ngay trên biển, nên tuỳ vào thời điểm ta sẽ thấy những hình ảnh khác nhau. Khi thủy triều lên, cổng Otorii và ngôi đền như bập bềnh trên biển. Còn khi thủy triều rút đi, cổng được bị bùn bao phủ và mọi người có thể đi vào đền mà không cần tàu, thuyền. Nếu muốn chiêm ngưỡng cả hai thời điểm, tốt nhất bạn nên dành cả một ngày tại nơi đây.

Cận cảnh cổng Otorii khi thủy triều rút
Cận cảnh cổng Otorii khi thủy triều rút

Theo ý nghĩa nguyên thủy, Torii là cái giàn cho gà đậu. Nó được đặt trước các đền để ghi nhớ tới truyền thuyết trong Thần đạo về Nữ thần Mặt trời (天照大神あまてらす). Vì tức giận em trai mình là thần Bão, Nữ thần mặt trời đã lánh vào động Thiên Nham (天岩戸あまのいわと), không soi chiếu ánh sáng lên mặt đất nữa, khiến tám vạn thần linh cũng điêu đứng.

Thần Tư tưởng (おもいかね) đã nghĩ ra một kế, “dựng trước cửa hang một cái giàn cho gà đậu và đặt một con gà trống, bên cạnh có gắn một tấm gương tròn. Lúc gà trống cất tiếng gáy, theo thói quen, Nữ thần mặt trời sẽ thức dậy. Khi nhìn ra ngoài, nữ thần sẽ thấy trong chiếc gương tròn hình bóng của mình, nhưng lại tưởng đó là một mỹ nhân nào khác. Điều ấy khơi gợi tính tò mò của phái nữ, nên thần sẽ ra khỏi hang để xem, ai là kẻ dám cả gan cạnh tranh sắc đẹp với mình. Ngay lập tức cả thế gian lại được chiếu sáng và cuộc sống trở lại”.

Tương truyền vào thời xa xưa, Itsukushima là một hòn đảo vô cùng linh thiêng, đây được xem là nơi cư ngụ của rất nhiều các vị thần linh. Có thể nhìn từ chính cánh cổng Otorii, dù đứng ngay trên mặt biển, hứng chịu biết bao nhiêu đợt sóng mạnh, cơn bão lớn.

Hàng triệu trận động đất lớn nhỏ từ lúc xuất hiện đến nay, chiếc cổng vẫn tồn tại. Và với người Nhật, đó là biểu tượng cho sự trường tồn của các Đấng thần linh bất diệt.

Đền nổi Itsukushima là một trong những dạng đặc biệt về kiến trúc tôn giáo trên thế giới. Quần thể đền bao gồm đền chính, gác 5 mái và nhiều đền thờ nhỏ khác bố trí bao quanh. Hành lang dài nối điện chính với các điện nhỏ, với phòng tấu nhạc kịch Noh, Bugaku truyền thống, và các khu vực khác của đền.

Tổng chiều dài các hành lang lên đến 300m. Xây dựng trên bãi đất ven biển và dập dềnh trên mặt biển khi thuỷ triều lên. 

Dãy hành lang
Dãy hành lang

Đền nổi Itsukushima là một trong những ví dụ khác thường nhất về kiến trúc tôn giáo trên thế giới. Đặc biệt, công trình hoàn toàn không sử dụng bất cứ một vật dụng kim loại nào trong khi xây dựng, dù là một chiếc đinh. Những kẻ hở giữa các tấm sàn được tính khéo léo sao cho có thể giảm bớt áp lực của triều cường khi có bão lớn. Những tấm gỗ cổ được dùng để làm ván sàn có kích thước tới 1,5m rộng và trên 10m dài, được vận chuyển vượt hàng trăm dặm từ miền Bắc Nhật Bản để tới Miyajima.

Các bộ phận của quần thể đền được kết hợp với nhau hài hòa trong gam màu đỏ chủ đạo như rực rỡ hơn khi soi bóng xuống nước biển thủy triều.

Phong cách kiến trúc điển hình của các Thần Xã tại Nhật
Phong cách kiến trúc điển hình của các Thần Xã tại Nhật

Một trong những cây cầu nổi tiếng dẫn tới đền thờ là cầu Phản Kiều (反橋そりばし) – Cầu Đại diện Hoàng gia. Xây vào năm 1557, cầu dành riêng cho những đại thần quý tộc đại diện cho Thiên hoàng tới viếng đền. Chỉ vào những dịp đó, các bậc thang mới được lắp vào. Ngoài ra cầu không bao giờ được sử dụng.

Phản Kiều
Phản Kiều (反橋そりばし)

Và đặc biệt ở đây có một điểm khá giống Công viên Nara, khi nơi đây có rất nhiều nai sinh sống. Ban ngày, chúng sẽ lượn lờ xung quanh khu vực đền, nơi có rất đông du khách, và đợi được cho ăn. Những lúc thuỷ triều rút, lũ nai còn đi ra tận phía cổng Otorii cùng du khách. Dù đã được khuyến cáo không nên cho chúng ăn, nhưng hầu như ai cũng tìm cách cho ăn và chụp hình cùng những con nai này.

Nai sinh sống quanh đền
Nai sinh sống quanh đền

Du lịch thăm đền Itsukushima

Nếu muốn tới đền tham quan, bạn có thể kiểm tra google map theo địa chỉ:

1-1 Miyajimacho, Hatsukaichi, Hiroshima 739-0588, Japan

Để biết thêm thông tin chi tiết, mọi người có thể truy cập vào website của ban quản lý đền Itsukushima nhé. Có tiếng Anh đấy.

Lối vào đền
Lối vào đền
Share this article
0
Share
Shareable URL
Prev Post

Xuất hiện những con hươu ở Nara nghiện Senbei, khi lượng khách du lịch Nhật Bản giảm mạnh

Next Post

Về việc xin cấp visa Nhật Bản (Biện pháp từng bước hướng tới việc tái mở cửa đi lại quốc tế)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read next
Chú ý: website có sử dụng cookies, tìm hiểu về chính sách tại đây.