Ngôi chùa Zuiryūji được biết đến với cách bài trí khác thường, với khu bảo tồn Phật giáo ở giữa bao quanh bởi các phòng liên kết với nhau bằng các hành lang. Tọa lạc tại Takaoka, đây là di tích lịch sử duy nhất ở tỉnh Toyama được công nhận là Bảo vật Quốc gia, vinh danh vào năm 1997. Dành riêng cho trường phái Thiền Sōtō, ngôi chùa được xây dựng bởi lãnh chúa thứ ba của miền Kaga, Maeda Toshitsune (1594–1658), để tưởng nhớ người tiền nhiệm của ông, lãnh chúa quyền lực Maeda Toshinaga (1562–1614).
Vùng đất quyền lực
Dưới sự cai trị của Toshinaga, vùng Kaga trong thời kỳ đầu Edo (1603–1868) đã phát triển trở thành tỉnh lớn nhất ở Nhật Bản, chỉ đứng sau Mạc phủ Tokugawa. Sáng lập gia tộc là Maeda Toshiie, người nằm trong hội đồng Ngũ đại trưởng lão, phụ tá cho lãnh chúa nổi tiếng Toyotomi Hideyoshi, và đã được ban tặng lãnh thổ Kaga rộng lớn.
Dưới sự lãnh đạo của nhà Tokugawa, Toshinaga đã chiến đấu trong trận Sekigahara quyết định vào năm 1600, để rồi từ đó gia tộc của ông mở rộng vùng đất cai quản lớn hơn nữa. Nhưng chính vì quy mô cai quản quá lớn của miền Kaga, nó trở thành cái gai trong mắt của nhà Tokugawa vừa mới thành lập. Bởi vậy, Toshinaga đã luôn phải cố gắng làm dịu đi nỗi lo ngại ấy của Tokugawa Ieyasu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ gia tộc đông đảo và hùng mạnh của mình, đặt nền móng cho sự giàu có dài lâu cho vùng đất. Có lẽ vì vậy mà chính Toshinaga chứ không phải Toshiie, mới thường được coi là thủ lĩnh đầu tiên của gia tộc Maeda quyền lực.
Không có con trai kế vị, Toshinaga đã trao lại quyền lãnh đạo gia tộc cho người anh cùng cha khác mẹ Toshitsune, và lui về lâu đài Takaoka, mặc dù ông vẫn nắm quyền kiểm soát lãnh thổ cho đến khi qua đời.
Khu lăng mộ của Maeda Toshinaga và chùa Zuiryūji được nối với nhau bởi Hachōmichi, một con đường dài 870 mét, kéo dài về phía đông từ cổng chính của ngôi chùa.
Sau khi Toshinaga qua đời, Toshitsune đã chỉ định Zuiryūji là ngôi chùa của gia tộc để tạ ơn, vì đã cho ông kế vị vị trí lãnh đạo của gia tộc. Việc xây dựng toàn bộ khu phức hợp của khu chùa bắt đầu từ thời Shōho (1644–1648) và hoàn thành vào năm 1663, kỷ niệm lần thứ 50 ngày mất của Toshinaga.
Chùa Zuiryūji và sự gìn giữ
Trong những ngày đầu đầy loạn lạc của thời kỳ Edo, Mạc phủ coi miền Kaga, với khối tài sản khổng lồ, là một mối đe dọa tiềm tàng đối với chính quyền của họ. Thực tế này không dễ gì bị xoá bỏ dù trải qua nhiều đời lãnh chúa. Chính ngôi chùa Zuiryūji cung cấp một cái nhìn thoáng qua về hoạt động chính trị, và cái nhìn sâu sắc cần có của những người chủ gia tộc, để duy trì gia tộc Maeda vĩ đại, duy trì được sự ân sủng của nhà Mạc phủ.
Yotsuya Dōkō, trụ trì ngôi chùa Zuiryūji kể lại, vào năm 1615, Mạc phủ đã ban hành luật giới hạn mỗi lãnh địa trong một lâu đài. Gia tộc Maeda đã chọn Kanazawa làm thủ phủ, và phá bỏ lâu đài ở Takaoka. Tuy nhiên, để giúp bảo vệ vùng đất rộng lớn của Kaga, họ đã xây dựng ngôi chùa tráng lệ Zuiryūji, thiết kế của nó ẩn giấu bên trong một vai trò không dễ gì thấy được, đó là một công sự phòng thủ.
Theo ghi chú của Yotsuya, cách mà cổng chính được xây dựng theo phong cách Yakuimon, với một mái hiên lớn, cột trụ rất to, và bức tường hình thang vững chãi. “Có một cấu trúc tương tự ở Tokyo“, ông giải thích. “Cổng Akamon ở Đại học Tokyo, nơi từng là cổng chính của dinh thự của gia tộc Maeda”.
Thực tế cho thấy rằng, Zuiryūji là ngôi chùa của gia tộc Toshinaga, Toshitsune đã xây dựng cổng chính vững chắc như của dinh thự của Daimyo ở thủ đô để giúp bảo vệ Takaoka. Theo nghĩa này, trung tâm của miền Kaga vẫn nằm trong lâu đài cổ Takaoka, nơi yên nghỉ của người sáng lập ra gia tộc, chứ không phải ở Kanazawa, nơi Toshiie và các tiền nhân của gia tộc Maeda yên nghỉ.
Các ngôi đền của thiền phái Sōtō thường được xây dựng sâu trong núi, khiến việc chùa Zuiryūjai lại tọa lạc trên một vùng đất đồng bằng, trở nên khác thường. Đi qua cổng chính, du khách sẽ tới một khu vực rộng lớn, trước khi đến với Sanmon, một cánh cổng cao chót vót được coi là Kho báu Quốc gia.
Cấu trúc các hành lang chạy dọc bên trái và bên phải. Nhìn thoáng qua, mái của Daikuri (nhà bếp của ngôi chùa) ở phía sau bên phải, và mái của thiền đường ở bên trái xếp hàng một cách thẩm mỹ phía trên các hành lang. Điều này đã khiến cấu trúc được ngưỡng mộ như là “Hội trường Phượng hoàng của Hokuriku”. Các hành lang trải dài xung quanh khuôn viên, liên kết tất cả các tòa nhà, giúp cho các nhà sư có thể di chuyển ngay cả trong mùa đông tuyết dày bao phủ khu vực.
Rõ ràng là các kiến trúc sư đã quy hoạch, tận dụng tối đa bề mặt phẳng của khu đất. Bước lên những bậc thang bằng đá của Sanmon, bạn sẽ thấy Butsuden, sảnh chính của ngôi chùa nằm ở trung tâm khu phức hợp. Tòa nhà hoàn toàn phù hợp với khung của cánh cổng, những bức tượng gỗ của các vị thần hộ mệnh có khuôn mặt hung dữ ở hai bên làm tăng thêm sự hoành tráng đầy ấn tượng.
Byōdōin (Hội trường Phượng hoàng) của Hokuriku, và Sanmon cao 18 mét được xây dựng lại vào năm 1820. Daikuri ở bên phải và thiền đường ở bên trái được chỉ định là Tài sản Văn hóa quan trọng quốc gia.
Butsuden, hay Phật đường, được đóng khung hoàn hảo bởi Sanmon. Tấm bảng gỗ phía trên lối vào ghi “Takaokasan” (高岡山), một tên gọi khác của ngôi đền, và được viết bởi nhà sư nổi tiếng Ingen Ryūki, người sáng lập ra trường phái Thiền Ōbaku.
Vẻ đẹp và sự thận trọng
Butsuden, cũng được chỉ định là Bảo vật Quốc gia, được xây dựng từ gỗ zelkova cứng cáp và được lợp bằng tấm lợp chì. Đây là một đặc điểm hiếm thấy, và chỉ có thể tìm thấy ở một kiến trúc khác, Ishikawamon tại Lâu đài Kanazawa. Nền đá của hội trường được xây dựng bởi nhóm thợ nề Anōshū, những người được biết đến với việc xây dựng những bức tường thành kiên cố.
Đặt trại vị trí trang trọng trong shumidan (bàn thờ chính) ở trung tâm của hội trường, là hình ảnh của Đức Phật Shaka Nyorai, với hai bên là các bức tượng của Fugen Bosatsu (Bồ tát Phổ Hiền) và Monju Bosatsu (Văn Thù Bồ tát). Phía sau bàn thờ là một tấm khắc gỗ mô tả sự xuất hiện của Phật Amidah. Tất cả những thứ này được giữ vững bởi hai cây cột zelkova 600 năm tuổi, cao 13 mét. Trần và tường được bao phủ bởi các đường gờ kumimono tinh tế, đồng thời có tác dụng giảm chấn động khi có động đất.
Chùa có từ năm 1659, với nhiều đặc điểm kiến trúc giống với chùa Tōshōgu ở Nikkō (tỉnh Tochigi), nhưng Yotsuya cảm thấy rằng, ngôi chùa của gia tộc Maeda có một sự trang nhã nhất định rất riêng mà không thể tìm thấy trong sự nổi tiếng của nó. “Trái ngược với Tōshōgu và những hình chạm khắc đầy màu sắc của nó,” ông giải thích, “chùa Zuiryūji nhấn mạnh đến cấu trúc tinh tế và vẻ đẹp của các vật liệu thô, chẳng hạn như thớ gỗ”. Ông nói rằng, gia tộc Maeda đã thể hiện sự tôn trọng đối với Tokugawa, đây một khía cạnh cần thiết để quản lý một cách hòa bình vùng đất rộng lớn, nhưng vẫn có mong muốn mạnh mẽ là xây dựng một kiến trúc lộng lẫy, mặc dù không quá mức.
Các ngôi chùa thiền thường thờ cúng Đức Phật trong Pháp đường, nhưng trong trường hợp của chùa Zuiryūji, việc bài trí này lại để phục vụ cho việc lưu giữ bia mộ của Toshinaga. Trụ trì Yotsuya giải thích, với việc xây dựng Butsuden để bài trí tượng của Đức Phật, gia tộc Maeda đã “thể hiện gu thẩm mỹ và sự giàu có của mình, trong khi họ có thể đặt tấm bia mộ của Toshinaga ở giữa Pháp đường phía sau cấu trúc”.
Hành lang của Pháp đường nhìn về phía dãy núi Tateyama xa xôi, và tương truyền rằng, quang cảnh hướng thẳng về phía Tōshōgu. Sức hấp dẫn của chùa Zuiryūji nằm ở cách gia tộc Maeda làm cho nó có tính thẩm mỹ sâu sắc và khả năng phòng thủ, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với nhà Mạc phủ.
Ngôi chùa cho hoà bình
Các kiến trúc nổi bật khác tại chùa Zuiryūji bao gồm thiền đường và Daikuri, cả hai đều được coi là tài sản văn hóa quan trọng. Ngoài ra, còn có những lăng mộ nhỏ đựng tro cốt của Toshinaga, Toshiie và lãnh chúa Oda Nobunaga, cha của Ei Hime, vợ của Toshinaga.
Trong suốt mùa hè và mùa đông, chùa thường hay tổ chức trình diễn ánh sáng dành cho du khách.
Một chủ đề được quan tâm gần đây, đó là bức tượng thần Ususama Myōō, một vị thần giúp gột sạch những tội lỗi, chữa lành vết thương. Tượng vị thần cao 117 cm, được thể hiện đứng trên một chân và hơi nghiêng về phía trước, có từ thời Muromachi (1333–1568). Có niềm tin lớn vào Ususama Myōō rằng, ngài cũng phù hộ cho những người mong muốn có con, những chiến binh mong chờ tìm người kế thừa họ.
Yotsuya không nghĩ rằng, gia tộc Maeda với tất cả sự giàu có và quyền lực của mình lại có tham vọng thống trị đất nước. Ông chỉ vào gia huy Kaga Umebachi làm bằng chứng. Các vật dụng trang trí như bia mộ của Toshinaga, mái ngói chùa Zuiryūji, có hình dáng trông như hoa mận, một biểu tượng liên quan đến gia tộc Maeda, tổ tiên của Sugawara no Michizane.
Ngay từ đầu trong lịch sử Nhật Bản, mối liên hệ tổ tiên với Sugawara được coi là điều kiện tiên quyết cho những shōguns tham vọng. Nhưng Yotsuya lập luận, bằng cách sử dụng hoa mận làm biểu tượng của gia tộc, Toshinaga bày tỏ rõ không có tham vọng lãnh đạo đất nước, mà là mong muốn sau những năm tháng đầy biến động của chiến tranh, mọi thứ phải được nhường chỗ cho hòa bình lâu dài.
Không giống như người tiền nhiệm Toshiie, Toshinaga không có chiến tích anh hùng, nhưng ông lại nỗ lực vì sự hòa bình khi cai quản lãnh địa rộng lớn của mình. Và chính nhờ vào sự khôn ngoan của các thủ lĩnh gia tộc sau ông, họ tuân thủ triết lý hoà bình, mà Kaga đã phát triển thịnh vượng trong hơn 250 năm.
Các bạn muốn tới thăm chùa Zuiryūji theo địa chỉ sau:
- Địa chỉ: 35 Sekihon-machi, thành phố Takaoka, tỉnh Toyama
- Giờ: 9:00 sáng đến 4:30 chiều (mùa Đông mở cửa tới 4h chiều)
- Vé vào cửa:
- Vé thường: Người lớn 500¥, học sinh Trung học 200¥, Tiểu học 100¥.
- Vé đoàn: Người lớn 400¥, học sinh Trung học 150¥, Tiểu học: 70¥.
- Cách đi: 10 phút đi bộ từ ga Takaoka trên tuyến JR Jōhana, tuyến JR Himi, và tuyến Ainokaze Toyama