“Moshi moshi” có ý nghĩa gì khi bắt đầu nhấc máy nói chuyện? “Tại sao lại là “moshi moshi”? Ở các nước khác, người ta dùng gì? Ví dụ như ở Việt Nam dùng từ “A lô” chẳng hạn.
Hừm, mình cũng là đứa hay tò mò linh tinh, có lẽ chỉ để muốn tăng thêm hứng thú khi học một ngôn ngữ khác. Nhất là khi học tiếng Nhật, đây là một ngôn ngữ khó mà!
Ngày xưa, người ta dùng “Oi oi”, “Moshi Moshi” là sau này cơ!
Điện thoại du nhập tới Nhật từ năm Minh Trị thứ 23 (1891). Vào thời điểm đó, khi muốn gọi điện, bạn sẽ phải thông báo cho tổng đài số mình muốn gọi. Rồi họ sẽ kết nối cho bạn, chứ không thể gọi trực tiếp như bây giờ.
Đầu tiên, người gọi sẽ nói “おいおい” (Oi Oi), như kiểu trong tiếng Việt khi bạn gọi ai đó “này này”. Rồi bảo, tôi muốn kết nối với số xxx nào đó chẳng hạn. Không dùng từ moshi moshi.
Và có một giả thuyết về sự biến đổi từ “Oi oi” sang “Moshi Moshi” thế này.
Ngày đó, những người trực tổng đài toàn là phụ nữ. Sau khi xác nhận số của người muốn gọi và kết nối xong, các nữ tổng đài viên sẽ nói “これから言いますよ”, nghĩa là “bắt đầu nói từ bây giờ nhé”.
Phụ nữ luôn có một vị trí thấp trong xã hội, nói chuyện với người khác luôn phải khiêm nhường, thật lịch sự. Không chỉ vậy, giao tiếp với người lạ, người Nhật cũng thế nốt. Nếu bạn chưa biết tiếng Nhật, hẳn sẽ cần có một chút giải thích thế này. Trong tiếng Nhật luôn có các hình thái giao tiếp, với những ngôn từ sử dụng khác nhau. Người nhỏ tuổi nói với người lớn, người vị trí thấp giao tiếp với người vị trí cao hơn, nhân viên nói chuyện với sếp, họ sẽ phải dùng Kính ngữ/Khiêm nhường ngữ.
Và cách nói khiêm nhường của 言います chính là 申します đó. Sau một thời gian dài sử dụng những câu lặp lại nhau, người ta thường có thói quen rút gọn để đảm bảo tốc độ, và đôi khi cả là nuốt âm. Câu “申します申します” cũng trở thành “もしもし” (moshi moshi) như ngày nay
Cho tới tận ngày nay, sự bình đẳng nam nữ ở xã hội Nhật vẫn chưa ổn đâu, nhất là trong chuyện lương bổng. Thật bất ngờ khi sự bất bình đẳng đó lại tạo nên một lịch sử thú vị của ngôn ngữ.
Giờ bạn đã hiểu qua về lịch sử thú vị của từ Moshi moshi ở Nhật rồi đó, còn các nước khác thì sao?
Thật ngạc nhiên, nó chẳng giống với cách nước khác sử dụng
Trở về với thời kỳ đầu điện thoại mới xuất hiện, khi ông Thomas Edison trình diễn đứa con của mình. Ông đã bắt đầu cuộc thoại với câu “Hello”. Và lời chào đó trở thành mặc định cho bất cứ cuộc thoại nào trên thế giới.
Tiếng Anh dùng Hello, tiếng Pháp dùng Allô, tiếng Hàn dùng Yeoboseyo… đều là chào cả. Tiếng Việt cũng vậy nốt. Ơ, mà tiếng Việt là A lô cơ mà?
Nếu bạn chưa rõ, hãy quay về lại với quá khứ, khi chiếc điện thoại du nhập vào Việt Nam thời Pháp. Chúng ta sử dụng rất nhiều tiếng Pháp, vay mượn và biến thành ngôn ngữ của chúng ta. Từ A lô cũng thế, nó từ chữ Allô của tiếng Pháp đó. Và cũng nghĩa “Xin chào” cả thôi 🙂
Không biết từ khi nào, khi bạn tra từ “Moshi moshi” của tiếng Nhật ở trên mạng, nó có nghĩa cũng trở thành “Xin chào” 🙂
Nhưng các bạn chú ý nhé, không phải lúc nào gọi điện thoại cũng sẽ dùng “Moshi Moshi” đâu đó, tiếng Nhật phức tạp phết đấy.