kho nhu pho co ha noi 2

Chuyện phố cổ

Hà nội thuở xa xưa đã là một nơi trung tâm buôn bán giao lưu cho nên văn hoá, cách sống cũng như cách xây dựng nhà cửa cũng đi theo một kiến trúc riêng để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cuộc sống của nó.

Theo năm tháng, thời gian ở Hà nội đã hình thành một khu dân cư buôn bán trải qua nhiều thế hệ rất đông đúc và sầm uất gọi là khu “Phố cổ”.

Từ sau ngày hòa bình lập lại, dân khắp nơi tứ xứ kéo về mỗi người chiếm một góc để ở, cứ thế đông dần lên theo thời gian thành ra có những khu nhà hơn chục hộ, già trẻ lớn bé đàn ông đàn bà mấy thế hệ gần trăm người cùng chui tất cả vào đấy để sống.

Phía ngoài là cửa hàng để buôn bán, đi sâu vào trong qua một con ngõ nhỏ chỉ vừa một người đi, tối om nhìn không rõ mặt người là cái sân với cái giếng giời để lấy không khí và ánh sáng, ở góc sân là hai cái nhà nhỏ, một cái là nhà tắm và cái còn lại là nhà vệ sinh.

Có gia đình hai ba thế hệ tất cả là mười mấy người sinh sống trong một căn hộ chưa đầy 20m2, cái không gian chật hẹp đó nó được ngăn cách nhau bằng đủ các thứ nguyên liệu được tìm thấy thí dụ như gỗ, cót ép, phên đan, bìa giấy, thạch cao…

Khổ như phố cổ

Khổ như phố cổ Hà Nội
Khổ như phố cổ Hà Nội

Chuyện 1

Có những đôi vợ chồng cưới nhau xong không có chỗ ở phải cơi nới thêm ra bên trên lối đi chung của ngõ được vài mét bằng sàn gỗ để làm phòng ngủ và chỗ phơi quần áo cũng như để rộng thêm được chút ít và có chỗ riêng tư.

Cuộc sống của gần trăm người trong khu nhà đó hàng ngày phải cùng nhau dùng chung một cái nhà tắm và một cái nhà vệ sinh, cái sân thì để dùng làm sân phơi cũng như chỗ nấu ăn chung của tất cả các gia đình, xe pháo thì không bao giờ được phép để ở trong sân tất cả đều phải mang đi gửi hết.

Năm tháng trôi đi, nhà cửa xuống cấp trầm trọng chắp vá lung tung, khu vệ sinh thì bẩn thỉu nhếch nhác, mùa đông còn đỡ chứ mùa hè thì hôi thối chỉ thở thôi cũng đã thấy mệt nhọc và khổ cực rồi chứ chưa nói đến chuyện ở đó.

Nói chung trừ việc đi vệ sinh vì cái đó không ai định trước và biết được lúc nào người ta muốn còn đâu các việc khác như tắm giặt, đun nấu…mọi người đều phải phân chia giờ giấc cho đều và hợp lý, được cái mọi người ai cũng đều có ý thức tuân thủ chấp hành, thi thoảng cũng có cãi nhau nhưng rất ít chủ yếu là chuyện phơi phóng và đun nấu.

Bi kịch nhất vẫn là khi đi vệ sinh buổi sáng, rất hài hước và khổ sở, mọi người rồng rắn xếp hàng, mặt mày nhăn nhó ai cũng sốt ruột chịu đựng trong sự chờ đợi để đợi đến lượt, ai cũng bực dọc dồn nén chỉ cần một câu nói không vừa ý hay một hành động nhỏ là có thể cãi nhau được ngay.

Sợ nhất là hôm nào ông Tào tháo lại gặp ông táo bón, ông ở ngoài thì nhảy lò cò còn ông ở trong nhăn nhó dặn không thành tiếng. Đến khổ…

Nhiều hôm mót quá hay vì chờ lâu sợ muộn làm, có người không chịu được chạy về nhà. Lúc sau mặt mũi tươi tỉnh quần áo chỉnh tề đi làm, còn sự việc thế nào ? hậu quả ra sao ? giải quyết kiểu gì thì tự hiểu…không biết.

Việc tắm rửa cũng khổ cực không kém, đàn ông thanh niên thì không sao, mùa hè oi bức như thế mà chiều tối đi làm về chị em phụ nữ vẫn cứ phải để nguyên như thế nhớp nháp chờ đến chín mười giờ tối mới đến lượt tắm, nhiều hôm nóng quá điên lên rủ nhau ra tắm ngay ở giữa sân, bụng bảo dạ chắc trời tối không ai nhìn thấy.

Tối đến giờ nghỉ ngơi xem tivi mới buồn cười, mỗi nhà một cái, bật một kênh khác nhau, thật đúng là như nghe cãi nhau, phim theo dõi đang đến đoạn hay, nhà bên cạnh rồ lên kênh quảng cáo. Ông bên này đang xem đá bóng thì bà bên kia ỉ on nghe hát cải lương, thôi thì đủ cả các loại hình nghệ thuật từ thể thao đá bóng đến chèo tuồng cải lương, ai nghe được thì nghe không thì tắt vô tuyến…đi ngủ.

Chuyện sinh hoạt vợ chồng thì dở khóc dở cười, cả tối tắt đèn nằm giả vờ ngủ để canh cho mọi người ngủ say mới dám hành sự, đúng kiểu nhẹ nhàng như anh đẩy xe hàng, đôi lúc cô vợ thăng hoa rên lên hừ hừ thì nhanh chóng anh chồng vớ cái gối mà tọng vào họng cô vợ ngay không có mọi người mà dậy thì chỉ có nước như là tivi bật phim Sex cho cả xóm xem, sáng dậy thì cứ gọi là ngượng chín mặt nhất là cô vợ.

Tuy vậy mọi người sống với nhau rất vui vẻ và tương đối hòa thuận cũng như rất quy củ và ngăn nắp, rất ít khi cãi cọ và cắn cấu nhau. Có lẽ vì quá chật trội nên họ không còn con đường nào khác là phải nhường nhịn và hoà bình thân thiện với nhau để mà sống.

Khổ như phố cổ Hà Nội
Khổ như phố cổ Hà Nội

Chuyện 2

Đó là một ngôi nhà hình ống nằm trong khu phố cổ, một trong những con phố buôn bán sầm uất nhất ở khu vực này.

Dạo đó chị còn trẻ chị có hai thằng con trai, mặc dù vậy dân hàng phố thường kể rằng chưa bao giờ nhìn thấy chồng chị và từ lâu mọi người đã mặc nhiên cho cái chuyện đó.

Ba mẹ con ở trong một căn phòng phải nói thật rằng rất chật, đến mức độ khi người ta bước chân vào nhà là bước thẳng… lên giường.

Cái ngày hai vợ chồng anh con lớn cưới nhau xong không có chỗ ở phải cơi nới thêm ra cái ô văng được vài mét để làm chỗ ngủ và có chỗ riêng tư.

Đến khi anh thứ hai cũng lấy vợ thì quả thực không biết chui vào đâu, chị buồn lắm vì làm mẹ mà không lo được chỗ ở cho con, chung quy cũng chỉ tại cái phố cổ mà phải bám lấy nó để mà kiếm miếng cơm hàng ngày bởi dù sao ở đây kiểu gì vẫn là cái chỗ dễ kiếm tiền.

Anh con lớn được hai đứa con ở với cô vợ, cuộc sống khó khăn cả hai đều chịu khó bươn chải suốt ngày ở ngoài đường chỉ tối mới về nhà để ngủ.

Anh thứ hai lấy vợ cũng được hai đứa con nhưng không hiểu sao chắc vì không có chỗ ở nên cực quá cô vợ xách một đứa con bỏ đi để hai bố con ở lại. Được một thời gian cô vợ lại mang thằng con trở về nhưng mà lần này cô đưa nốt đứa con cho anh nuôi rồi bỏ một mạch đi thẳng.

Hàng ngày anh vạ vật đầu đường góc phố may ra được một vài cuốc xe ôm, rau cháo qua ngày với hai đứa con và mẹ già, thật cùng cực và bế tắc. Nhiều hôm buồn bã không kiếm được anh chán nản chả muốn về nhà bỏ mặc ba bà cháu ở nhà nhịn đói.

Bà mẹ già ở với anh con út nhìn hai đứa cháu, mẹ bỏ đi thật là buồn và ngán ngẩm cho cái gia cảnh. Cho đến một hôm anh đi làm về trời đã tối chỉ thấy hai đứa con ở nhà một mình, không thấy mẹ đâu anh hỏi thì chúng chỉ nói bà đi từ chiều đến giờ chưa thấy về…

Vài ngày sau tìm mãi không thấy mẹ về anh buồn bã ra công an phường nhờ người ta tìm giúp…

Năm tháng trôi đi mãi chẳng thấy mẹ về, anh đành cam chịu cho cái số phận con người và cuộc sống ở nơi phố cổ, mặc cho cuộc đời và số phận xoay vần.

Thế đấy, rất nhiều những mảnh đời cơ cực sinh ra từ cái nơi được gọi là văn hoá Hà thành này mà chỉ có những người sống ở đó mới hiểu.

Nếu ai không biết cứ tưởng rằng nơi đây làm ăn thịnh vượng kiếm tiền dễ dàng và nhanh giàu có phát đạt, nào ngờ cuộc đời bất hạnh với những số phận hẩm hưu nghiệt ngã chỉ vì miếng ăn mà phải bám lấy cái nơi khốn cùng này.

Thật đúng là khổ như phố cổ.

Tác giả: Tuệ Phong.

Lưu ý: Bài viết thuộc bản quyền của người đã viết bài. Toàn bộ nội dung được đăng tải lại trên Tour Blog có thể được chỉnh lại những từ viết tắt, lỗi chính tả, đoạn quá dài,… với mục đích giúp bạn đọc dễ dàng đọc thuận lợi hơn. Một số hoặc toàn bộ ảnh có thể bị thay thế, được thêm vào bằng các ảnh tương ứng so với bài gốc nhằm mục đích bảo đảm quyền riêng tư, và nội dung thêm sinh động, xin thông cảm.

Share this article
0
Share
Shareable URL
Prev Post

Bánh chín tầng mây

Next Post

Có nên nghỉ dưỡng ở Vinpearl Resort & Spa Phú Quốc?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read next
Chú ý: website có sử dụng cookies, tìm hiểu về chính sách tại đây.