Ngày xưa trẻ con đi học rất thích ăn quà nhất là khi trong túi lại có 5 xu, một hào nữa thì hôm đó đi học là vui lắm, đến giờ ra chơi trẻ con học sinh đứa nào cũng thật nhanh chạy ra cổng trường để mua quà.
Mà ngày đó hàng quà không có nhiều như bây giờ, có chăng cũng chỉ là mấy quả táo hay gói bỏng ngô, cái bánh rán hoặc vài cái kẹo là cùng nhưng mà như thế đã là thích lắm rồi.
Tôi nhớ dạo đó ở cổng trường thường có ba ông chuyên bán quà cho học sinh, đó là ông bán bánh gối hay còn gọi là ông “Xập ròn”, ông “Kẹo kéo mà kéo ra ruồi” và ông bán “Chín tầng mây”. Hai ông kia thì tôi đã kể ở những bài viết trước rồi, bây giờ tôi muốn kể về cái ông bán bánh chín tầng mây nhé.
Bánh chín tầng mây là một thứ bánh được làm từ tinh bột nên có vị ngon, mát và dễ tiêu, với những đứa trẻ loại bánh đầy sắc màu đã là một phần không thể thiếu được của tuổi ấu thơ khi cắp sách tới trường cùng với nhiều kỷ niệm.
Sở dĩ bánh có tên gọi như vậy là vì bánh có nhiều lớp như là “chín tầng mây” với nhiều màu sắc đa dạng khác nhau như màu xanh của lá cây, màu vàng của những ánh nắng, màu đỏ rực tựa mặt trời hay màu trắng tinh khiết của mây, tất cả những màu sắc ấy hòa quyện lại với sự hài hòa đẹp mắt và độc đáo, tạo nên một món quà và đó chính là món bánh chín tầng mây.
Hình ảnh những đứa trẻ con xúm quanh ông hàng bánh chín tầng mây để mua từng miếng bánh nhỏ xíu được cắt chéo, có nhiều lớp và nhiều màu, có vị ngọt thơm của đường, mềm mềm dai dai của bột năng đã gợi lại cho tôi một ký ức thật sống động và khó quên.
Bánh chín tầng mây, từ cái tên gọi cho đến hương vị đã làm
mê hoặc không biết bao nhiêu đứa trẻ ngày đó và lẽ dĩ nhiên là trong đó có cả tôi.
Ngày đó ông bán chín tầng mây ở cồng truờng là một người nhỏ thó, đầu đội cái mũ lưỡi trai màu xanh công nhân, mặc áo bông màu nâu trông như ông ba tàu. Ông có một cái bàn xếp, có thể gập lại được, ở một đầu trên để một khay bánh chín tầng mây được đậy bằng một miếng vải màn trắng, một cái thớt nhỏ với một con dao to bản như kiểu dao thái phở và góc bên kia là một cái bảng to hình tròn trên ghi số, ở giữa có một cái trục được quay như kiểu quay sổ xố ở vườn hoa Giám nhưng nhỏ hơn một chút.
Và cũng chính vì cái trò này nên rất thu hút trẻ con, đến bây giờ tôi mới hiểu đó cũng là mẹo để ăn dỗ tiền của học sinh không thua kém gì ông “Xập ròn”và ông “Kẹo kéo”.
Cái bảng tròn để cho trẻ con quay đó ông ấy đóng đinh ở chung quanh và đánh số từ 1 đến 20 (tôi không nhớ rõ là bao nhiêu số nữa) và có một mũi tên được cắt bằng một miếng cao su gắn ở bên cạnh để chỉ số trúng thưởng. Đứa nào muốn quay thì phải trả tiền cho ông ta 5 xu/ lần khi quay.
Bất cứ ai nếu trả tiền là được quay, quay được hay không cũng đều có thưởng hết chỉ có điều là nhiều hay ít thôi. Đứa nào quay được số càng lớn thì nhận được miếng bánh càng to.
Và cứ thế suốt cả cái giờ ra chơi một lũ trẻ con học sinh đứng xúm đông xúm đỏ, vòng trong vòng ngoài để trả tiền và đợi đến lượt mình được quay.
Mỗi lần quay xong mặt đứa nào cũng rạng rỡ để ra “lĩnh thưởng” và ông “Chín tầng mây” lại cầm con dao thái phở đó xắn cho một miếng, để rồi lại xúm vào mấy đứa chia nhau mút mát từng lớp bánh một cách thèm nhạt và sung sướng.
Bánh chín tầng mây, một thứ không thể thiếu được trong những món quà vặt của học sinh ngày xưa ở cái thời bao cấp đói khó.
Nhớ lắm những miếng bánh kỷ niệm của ông “Chín tầng mây”…
Tác giả: Tuệ Phong
Lưu ý: Bài viết thuộc bản quyền của người đã viết bài. Toàn bộ nội dung được đăng tải lại trên Tour Blog có thể được chỉnh lại những từ viết tắt, lỗi chính tả, đoạn quá dài,… với mục đích giúp bạn đọc dễ dàng đọc thuận lợi hơn. Một số hoặc toàn bộ ảnh có thể bị thay thế, được thêm vào bằng các ảnh tương ứng so với bài gốc nhằm mục đích bảo đảm quyền riêng tư, và nội dung thêm sinh động, xin thông cảm.