10 phat minh cua nhat ban cover

10 phát minh của Nhật Bản đã thay đổi cuộc sống chúng ta

Hơn 40 năm trước, nhân viên Yukio Yokozawa của Suwa Seikosha đã nhận được bằng sáng chế cho phát minh ra chiếc máy tính xách tay đầu tiên. Với màn hình LCD, bàn phím kích thước đầy đủ, có pin sạc tích hợp; và một chiếc máy in, Epson HX-20 được tạp chí BusinessWeek ca ngợi là “Cuộc cách mạng lần thứ tư trong lĩnh vực máy tính cá nhân”.

Khi nhìn lại phát minh quan trọng này, OwlBrain muốn điểm lại một số phát minh được yêu thích khác của Nhật Bản. Cũng như để tỏ lòng biết ơn với những người đã giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tuyệt vời hơn. 

Trong một bài viết ngắn, mình khó có thể đưa ra hết được những phát minh hay mà mình biết được. Chỉ cố gắng điểm lại 10 phát minh của Nhật Bản, thứ mà đã thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Danh sách 10 phát minh của Nhật Bản

1. Nồi cơm điện

Nồi cơm điện
Nồi cơm điện

Đây là một thiết bị nhà bếp đơn giản, ai cũng biết tới. Dường như người ta mặc định coi nó là thứ đương nhiên phải có trên cõi đời này. Nhưng nếu bạn từng cắm mặt vào đống tro bếp để thổi lửa, hay bận căn chỉnh lửa to nhỏ cho bếp dầu để nấu cơm thì bạn sẽ hiểu, phát minh này đã giúp chúng ta được nhiều thế nào.

Nó chỉ đơn giản gồm nguồn nhiệt, tiếp xúc với một lòng nồi chứa gạo và nước, thêm bộ điều nhiệt. Nồi cơm điện đầu tiên (Suihanki – 炊飯器) được sản xuất bởi tập đoàn Mitsubishi Electric vào năm 1945. 

Thời điểm đó, nồi còn đơn giản lắm, chưa tiện như bây giờ. Nó không có chế độ dừng nấu tự động, có nghĩa là cần được giám sát liên tục cho đến khi cơm chín. 

Tới năm 1956, Yoshitada Minami đã phát minh ra một nồi cơm điện tốt hơn, với bộ điều chỉnh nhiệt tự động ngắt, và nhờ đó, cơm không bị… cháy. Sau đó, Toshiba bắt đầu bán bếp từ. Chỉ trong vòng 4 năm, nồi cơm điện có thể tìm thấy trong khoảng một nửa số hộ gia đình Nhật Bản.

2. Tàu Shinkansen

Tàu cao tốc Shinkansen, niềm tự hào của nước Nhật

6 giờ sáng ngày 1/10/1964, hai đoàn tàu cao tốc (dangan ressha) rời ga Tokyo và Shin-Osaka cùng lúc, đánh dấu sự ra đời của 0 Series Shinkansen.  Ra mắt 9 ngày trước lễ khai mạc Olympics Tokyo 1964. Những đoàn tàu đạt tốc độ lên đến 130 dặm một giờ (210km/h), giúp cho mọi người có thể đi từ thủ đô Tokyo đến Osaka chỉ trong khoảng 4 tiếng đồng hồ, ít hơn gần 3 tiếng đồng hồ so với loại tàu thông thường.

Tới ngày nay, hành trình 4 tiếng đó chỉ còn 2,5 tiếng mà thôi, nếu bạn di chuyển với tàu cao tốc Nozomi. Tốc độ lên tới tối đa gần 200 dặm một giờ (320 km/h).

3. Đồng hồ Quartz

Đồng hồ Quartz
Đồng hồ Quartz

Câu chuyện về bộ cộng hưởng tinh thể như một công cụ tính thời gian bắt đầu vào năm 1880, khi Pierre Curie (khi chưa kết hôn với Marie), và em trai của ông là Jacques phát hiện ra các tính chất áp điện của nó.  

47 năm sau, chiếc đồng hồ treo tường thạch anh đầu tiên được ra đời trong phòng thí nghiệm Bell. Nó đã chứng tỏ có độ chính xác cao hơn nhiều so với loại đồng hồ cơ học trước đó. Thách thức lớn tiếp theo là thu nhỏ tất cả các thành phần của đồng hồ vào một chiếc đồng hồ đeo tay. Nhưng kỳ tích không thể dễ dàng có được.  

Phải tới nửa sau của thế kỷ thứ 19, một công ty của Nhật Bản là Seikosha mới trở thành công ty đầu tiên đạt được điều đó. Vào đợt Giáng Sinh năm 1969, chiếc đồng hồ Seiko Quartz Astron được đưa ra thị trường, đánh dấu một cột mốc thời gian đáng nhớ trong biên niên sử của những chiếc đồng hồ.

4. Gạch lát xúc giác – Khối Tenji

Khối Tenji
Khối Tenji

Vì muốn giúp đỡ một người bạn đang dần bị mù, Giáo sư Seiichi Miyake đã tự bỏ tiền túi để nghiên cứu, và chế tạo ra những viên gạch lát xúc giác (hay còn được gọi là khối tenji). Chúng giúp những người khiếm thị nhận biết được hướng đi, cảnh báo cho họ những mối nguy hiểm khi đi bộ ở bất cứ đâu. 

Được phát triển vào năm 1965, những viên gạch với bề mặt gập ghềnh màu vàng, có các chấm và vạch, đã được lắp đặt dọc theo các tuyến đường cao tốc gần trường học dành cho người mù ở Okayama hai năm sau đó.  

Tới thập kỷ tiếp theo, tất cả các khu vực chờ tàu của các tuyến Đường sắt Quốc gia Nhật Bản bị buộc phải đưa phát minh này vào sử dụng. Và cuối cùng, việc lát gạch xúc giác cũng đã trở nên phổ biến ở các nước phương Tây vào những năm 1990.

5. Karaoke

Karaoke
Karaoke

Karaoke, cái này mình gọi là phát minh thành công và đen đủi nhất. Sức ảnh hưởng của nó đến tận ngày nay, và ai cũng hưởng thụ được thành quả của nó. Nhà nhà karaoke, người người karaoke.

Nó là phát minh của tay trống Daisuke Inoue, và ông đã được tạp chí Time lừng danh mô tả là “một trong những người châu Á có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20”.

Vào năm 1971, khi đó ban nhạc của ông chuyên cung cấp nhạc cho các câu lạc bộ, nơi thường có các doanh nhân thích hát, thích được lên sân khấu thể hiện. Trong năm đó, có một khách hàng yêu cầu ông đi cùng trong một chuyến đi công tác, nhưng ông lại không thể đi. Thay vào đó, ông cung cấp sẵn một đoạn băng ghi âm cho người khách hàng này. Sau này, ông nhận thấy tiềm năng của nó thông qua việc ghi âm sẵn, ông đã tạo ra một chiếc máy karaoke từ dàn ân thanh nổi trên ô tô, hộp đụng xu, và bộ amplifier (bộ khuếch đại âm thanh). 

Phát minh tuyệt vời này của ông đã đem đến cho mọi người khả năng lên sân khấu bất cứ nơi nào, chỉ cần chọn bài và hát theo mà thôi. Tuy nhiên, điều mà mình nói đen đủi đó chính là, Daisuke Inoue đã không xin cấp bằng sáng chế cho phát minh này của mình, thứ có thể biến ông thành tỷ phú.

6. Máy nghe nhạc Cassette

Cassette
Máy nghe nhạc Cassette

16 năm sau khi công ty Phillips của Hà Lan phát triển công nghệ băng cassette, hãng Sony của Nhật đã cho ra đời chiếc máy TPS-L2 Walkman. Có thể nói, nó đã trở thành một cuộc cách mạng trong cách mà mọi người thưởng thức âm nhạc, nghe ở bất cứ nơi đâu. Thay vì phải ngồi một chỗ với chiếc máy cồng kềnh, giờ đây, với một chiếc máy nhỏ xíu, mọi người luôn có bạn đồng hành khắp nơi.

Thời điểm đó, người đồng sáng lập hãng Sony là Masaru Ibuka cảm thấy mệt mỏi khi luôn phải mang theo chiếc máy ghi âm cassette TC-D5 cồng kềnh trong các chuyến công tác. Ông đã yêu cầu phó chủ tịch điều hành Norio Ohga thiết kế một phiên bản âm thanh nổi, và chỉ phát, tối ưu hóa cho việc sử dụng tai nghe (thiết bị ban đầu có hai giắc cắm tai nghe nên hai người có thể nghe cùng một lúc).

Lúc mới ra mắt, người ta dự đoán sẽ bán được khoảng 5.000 chiếc mỗi tháng. Nhưng thật bất ngờ, chỉ trong 2 tháng đầu tiên, đã có tới 500.000 chiếc được bán ra.

7. Nắp bồn cầu

Nắp bồn cầu
Nắp bồn cầu

Điều rất buồn cười nhưng lại là sự thật, rất nhiều du khách khi tới Nhật Bản và trở về cùng những câu chuyện về chiếc toilet. Sự dễ chịu khi đi toilet ở Nhật ra sao là điều người tay hay nhắc tới.

Nào là ngồi xuống thì ấm mông khi mùa Đông về, nào là có nước phun lên để rửa… đít, rồi cả âm nhạc nữa. Âm nhạc là sao nhỉ? Đơn giản thôi, khi đi vệ sinh, sẽ có nhiều âm thanh mà bạn không muốn người phía ngoài nghe thấy, và âm nhạc sẽ át đi những âm thanh đó giúp bạn. Thế đó!

Toto là công ty đầu tiên tại Nhật Bản sáng tạo ra những chiếc nắp đậy giúp bạn có những tiện nghi như vậy. Cùng với sự ra đời của nó vào năm 1980, một kỷ nguyên mới về nhà vệ sinh đã bắt đầu. Ý tưởng ra đời từ chiếc bồn vệ sinh có chức năng rửa, với vòi phun có thể mở rộng hay thu hẹp lại chính xác 43°, gọi là “góc vàng” cho lỗ đít. Cả nước nữa, nó cùng được làm ấm để tạo ra sự thoải mái tối đa 😀

8. Đèn blue LED

Đèn blue LED
Đèn blue LED

Năm 2014, Shuji Nakamura, một người Mỹ nhưng được sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản cùng với hai nhà khoa học Nhật Bản là Isamu Akasaki và Hiroshi Amano đã đoạt giải Nobel vật lý cho phát minh đèn LED phát sáng (đèn LED).

Thành tựu này của họ vào năm 1992 đã giải quyết được một vấn đề tồn tại từ lâu, vốn là thách thức vô cùng lớn đối với các nhà khoa học. Mặc dù đèn LED màu xanh lá cây và màu đỏ đã xuất hiện trong nhiều năm, nhưng nếu không có điốt màu xanh lam, chúng ta sẽ không thể tạo ra ánh sáng trắng mà chúng ta thấy trong màn hình máy tính và TV sử dụng đèn LED ngày nay. Và nữa, chúng đã giúp tiết kiệm được rất nhiều điện năng trong thế giới đồ điện tử của chúng ta, thật tuyệt vời.

9. Biểu tượng cảm xúc – Emoji

Biểu tượng cảm xúc emoji
Emoji

Ngày trước, khi nhắn tin cho nhau, những cảm xúc thông qua từ ngữ thật khó tả. Người ta đôi khi phải nhắn hàng chữ trông khá ngố như “haha”, “huhu”… và cũng không có nhiều lắm đâu.

Nhưng biểu tượng cảm xúc ra đời tại Nhật vào cuối thế kỷ thứ 20 đã làm thay đổi cách chúng ta chat với nhau, mọi người trở nên gần gũi hơn. SkyWalker DP-211 SW là thiết bị được bán ra bởi Softbank (khi đó được gọi là J-Phone) vào ngày 1/11/1997, là chiếc điện thoại di động đầu tiên có các emoji.

Hai năm sau, Shigetaka Kurita đã thiết kế một bộ 176 hình ảnh giống như phim hoạt hình có màu sắc bằng cách sử dụng canvas 12 x 12 pixel cho hãng Docomo. Những biểu tượng mặt cười, tức giận, thè lưỡi trêu chọc nhau cứ thế ra đời suốt đến tận bây giờ. Người ta vẫn tiếp tục tạo ra chúng nhiều hơn nữa, và chuẩn hoá nó.

Hiện có hơn 3.000 biểu tượng cảm xúc trong Tiêu chuẩn Unicode. “Khuôn mặt với những giọt nước mắt vui mừng” được cho là biểu tượng cảm xúc được sử dụng thường xuyên nhất trên thế giới.

Có lẽ cái tên của nó cũng là một thứ thú vị, là một từ lai Anh – Nhật:

  • e -> emotion: nghĩa là cảm xúc.
  • moji -> nghĩa là ký tự.

10. Các phát minh của Tiến sĩ NakaMats

Hừm, số 10 lại chẳng phải là một phát minh cụ thể nào cả. Mà là một cái tên đại diện cho rất nhiều những phát minh khác nhau: Tiến sĩ NakaMats.

Ông sở hữu hơn 3000 bằng sáng chế, với chiếc đĩa mềm thần thánh cũng thuộc sở hữu phát minh của ông. Tất nhiên, giờ thì chẳng mấy ai biết đến nó nữa đâu.

Theo NakaMats, ý tưởng về chiếc đĩa mềm này đến với ông vào năm 1947, sau khi cảm thấy khó chịu với âm thanh tạo ra do sự trầy xước của băng từ trong bản thu âm của mình trong khi nghe bản giao hưởng số 5. ​​

Tuy nhiên IBM, nơi đã cấp phép 14 bằng sáng chế từ NakaMats lại phản đối tuyên bố về phát minh này của ông. Họ cho rằng, phát minh này do các kỹ sư của mình phát triển vào năm 1969. 

Ông chủ của giải Ig Nobel còn được biết đến với máy bơm dầu hỏa, giày nhảy pyon-pyon. À, còn cả Love Jet nữa, một loại bình xịt được tạo ra để tăng cường kích thích tình dục 😀

Bạn có biết không, khi viết bài này, mình đã phải loại bỏ đi rất nhiều phát minh tuyệt vời của người Nhật trong 75 năm qua, những thứ mà ngày nay len lỏi trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Từ hệ thống QR code, máy tính bỏ túi, hệ thống định vị, máy ảnh phản xạ ống kính đơn kỹ thuật số, điện thoại có tích hợp máy ảnh, gậy tự sướng, VHS, CD, DVD, cà phê đóng hộp và mì ăn liền…. Nhiều lắm, thôi để dần dần mình giới thiệu nhé!

Share this article
0
Share
Shareable URL
Prev Post

Lần đầu tiên sau 70 năm, tem 1 Yên được thiết kế mới

Next Post

Góc khuất về những cô gái Việt ở Nhật buộc phải giấu xác con sơ sinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read next
Chú ý: website có sử dụng cookies, tìm hiểu về chính sách tại đây.