Đúng là Tokyo từng được xếp hạng là đô thị đắt nhất thế giới và Nhật Bản từng khá khép kín với người nước ngoài. Nhưng những thay đổi trong vài thập kỷ gần đây đã khiến định kiến này trở nên lỗi thời.
Sinh hoạt rẻ
Chi phí sinh hoạt tại Tokyo lúc này dễ chịu hơn hầu hết các đô thị lớn ở phương Tây và thậm chí rẻ hơn cả một số đô thị châu Á, điển hình là Singapore.
Giá thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa trong siêu thị Aeon ở Hà Nội xấp xỉ với giá ở các siêu thị Tokyo. Giá một ly cà phê Starbucks không có sự chênh lệch đã đành, giá cà phê ở Highland cũng ngang bằng với ở Doutor Coffee. Quần áo của Uniqlo thì khỏi bàn. Nhưng quần áo sản xuất tại Việt Nam bán trong siêu thị Winmart đắt hơn trong cửa hàng thời trang ở Nhật là đáng ngạc nhiên. Giá một biệt thự tại các khu đô thị mới ngoại vi Hà Nội chẳng thua kém gì nhà riêng cao cấp tại ngoại vi Tokyo.
Cũng có những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gạo chỉ rẻ bằng 1/3 đến 1/2 gạo Nhật. Nhưng mặt hàng thế mạnh là ô tô của Nhật thì cũng chỉ bằng 1/2 giá ở Việt Nam.
Bữa ăn trưa mà dân công sở ở Tokyo hay có vẫn duy trì mức giá 600-1000 yên suốt mấy thập kỷ. Mức trung bình 649 yên vào năm 2021, trong khi Thượng Hải là 1020 yên và New York là 1650 yên. Một chủ quán tại Tokyo đã quyết định đóng quán để “di cư” sang Bangkok vì khi tăng giá 10% vì phí nguyên liệu tăng cao, quán của ông đã vơi hẳn khách.
Thu nhập của người Nhật không tăng và sẽ là yếu tố kìm hãm tăng giá. Chênh lệch về lạm phát sẽ khiến Hà Nội hay Sài Gòn sớm “sánh tầm” với Tokyo hay Osaka về chi phí sinh hoạt.
Du lịch rẻ
Khách du lịch nước ngoài tới Nhật bùng nổ trong những năm gần đây, đặc biệt là khách châu Á.
Không phải bỗng nhiên thiên nhiên và văn hoá Nhật Bản trở nên hấp dẫn dưới mắt người nước ngoài. Nó vẫn được giữ gìn và tôn tạo nhưng không có gì đột biến. Chỉ đơn giản là người châu Á giàu lên còn Nhật Bản thì rẻ đi.
Người Trung Quốc và Việt Nam tạo nên những làn sóng vơ vét hàng hoá tại đủ các cửa hàng của Nhật Bản, từ quần áo, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đến hàng tiêu dùng…
Điều đáng nói là dù với chất lượng dịch vụ và hàng hoá tốt, ở Nhật không có nạn chặt chém khách. Dịch vụ ẩm thực và lưu trú tại Nhật luôn có giá hợp lý. Không có chuyện đắt đỏ ở các khu du lịch như thấy ở Phú Quốc, hay giá cách biệt so với bên ngoài trong các sân bay như ở Nội Bài hay Tân Sơn Nhất.
Nhập cư rẻ
Nhật Bản chỉ tiếp nhận nhỏ giọt người tị nạn và trên nguyên tắc không có chính sách “nhập cư”. Thay vào đó, Nhật Bản lọc những người có mong muốn định cư lâu dài bằng các hình thức cư trú ngắn hạn và đòi hỏi một số năm trước khi họ có thể chuyển sang vĩnh trú hay nhập tịch. Trên thực tế, Nhật đã trở nên rất cởi mở với nhập cư.
Một người tốt nghiệp trường đại học hay dạy nghề của Nhật có thể ở lại Nhật làm việc mà không gặp trở ngại pháp lý nào. Họ có thể chuyển đổi dễ dàng sang vĩnh trú hay nhập tịch nếu có thu nhập ổn định và lương thiện. Đương nhiên, tốt nghiệp tại Nhật cũng không phải là điều kiện tiên quyết mà chỉ giúp việc hoà nhập của bạn thuận lợi hơn.
Ngay cả người làm những công việc đơn giản rồi đây cũng sẽ có cơ hội tương tự.
Thêm một con đường nữa là đầu tư. Trong khi điều kiện nhập cư ở các nước nổi tiếng cởi mở như Úc hay Canada, hay điểm đến mới nổi ở châu Âu như Bồ Đào Nha là các khoản tiền đầu tư lớn hàng triệu USD, người nước ngoài có thể cư trú ở Nhật với khoản đầu tư tối thiểu chỉ 5 triệu yên (khoảng 36K USD).
Nhập cư Nhật Bản có phải là lựa chọn hấp dẫn không thì còn tuỳ thuộc vào cách đánh giá của từng người. Nhưng chắc chắn người nhập cư sẽ được hưởng một môi trường sống tốt và phúc lợi xã hội ưu việt. Ngôn ngữ rõ ràng đang là rào cản, nhưng có thể vượt qua bằng nỗ lực cá nhân trong một vài năm.