Thiệu Phương Viên

Thiệu Phương Viên – Ngự viên triều Nguyễn

Phỏng dựng lại ngự viên Thiệu Phương Viên triều nhà Nguyễn là loạt bài về những điều tai nghe, mắt thấy, những gì còn, những gì đã mất của kinh thành cổ xưa triều đình Huế (Còn / Mất / Nghe / Thấy – Huế) của tác giả Trần Leon .

Có lẽ, bài viết này sẽ dành tặng cho những ai yêu thích sự khám phá, trải nghiệm gắn liền với lịch sử cố đô Huế, với những hoàng thành cổ xưa tại nơi đây. Khi bạn có hiểu biết sâu hơn về những gì đã diễn ra trong quá khứ, tận mắt thấy những gì còn lại, mỗi bước chân của bạn sẽ trở nên có giá trị hơn.

Thiệu Phương Viên – Không chỉ có Vạn Tự Hồi Lang

Trong hệ thống Ngự Viên của triều Nguyễn, vườn Thiệu Phương có 1 vị trí đặc biệt: tuy là vườn ngự có quy mô khiêm tốn nhất nhưng lại được vua Thiệu Trị xếp thứ 2 trong Thần Kinh Nhị Thập Cảnh, và là cảnh thứ nhất trong bộ Cung Viên Thập Cảnh (10 cảnh đẹp trong Cung). Thiệu Phương Viên đồng thời cũng là Ngự Viên gần với điện Càn Thành – trung tâm của Đại Nội nhất, vì thế khu vườn này được vua Minh Mạng, Thiệu Trị ưu ái kiến tạo các kiến trúc, cảnh quan độc đáo, khác biệt với các ngự viên khác.

Tuy nhiên, qua biến động lịch sử mà ngôi vườn này từ đầu thế kỉ XX đã biến mất hoàn toàn. May mắn thay phần đất thuộc về kiến trúc độc đáo nhất của khu vườn là Vạn Tự Hồi Lang vẫn còn, và qua đợt trùng tu thích nghi cũng nào tái hiện lại vẻ đẹp của khu vườn này, dù rằng chỉ còn khoảng 2/3 ~ 3/4 diện tích ban đầu và biến mất vĩnh viễn một nửa số kiến trúc thời kì hoàng kim.

May mắn thay tôi đã được tiếp cận với hồ sơ khảo cổ của một số khu vực trong Đại Nội Huế (giai đoạn 1999 – 2002) trong đó có khu vườn này. Dù dấu tích khảo cổ cũng không phát hiện được đầy đủ, nhưng cũng phần nào giúp tôi mô phỏng được các kiến trúc còn lại trong Thiệu Phương Viên.

Bài này xin phép giới thiệu sơ qua về các kiến trúc trong khu vườn này và bài sau này sẽ nói tiếp một số vấn đề về nó. (Không phải bản hoàn chỉnh – một số hình dáng kiến trúc, màu sắc… trong bản phục dựng của tôi có thể hơi khác với hiện trạng trùng tu thích nghi.)

Thiệu Phương Viên đồ họa

宮垣十景 – Cung Viên Thập Cảnh
芳園春色 – Phương Viên Xuân Sắc
第一景 – Đệ Nhất Cảnh

宇宙暄和藹豔陽
上林無限好風光
盈庭桃李天眞趣
滿架詩書古帙香
花織吳綾欺錦繡
柳書人字慕文章
可知物態皆生意
先澤霑濡永紹芳

Vũ trụ huyên hòa ái diễm dương
Thượng lâm vô hạn hảo phong quang
Doanh đình đào lí thiên chân thú
Mãn giá thi thư cổ trật hương
Hoa chức Ngô lăng1 khi cẩm tú
Liễu thư nhân tự mộ văn chương
Khả tri vật thái giai sinh ý
Tiên trạch triêm nhu vĩnh Thiệu Phương

Dịch nghĩa: 
Trời đất ấm áp ánh mặt trời rực rỡ
Vườn thượng uyển cảnh sắc đẹp vô hạn
Khắp sân đào mận vui thú thiên nhiên
Đầy giá thi thư thơm mùi sách cổ
Hoa nở như dệt lụa ngỡ là gấm vóc
Liễu vẽ dáng người tựa mến văn chương
Mới hay dáng vẻ muôn vật đều có ý
Ơn xưa nhuần thấm mãi nơi vườn Thiệu Phương.

Mô phỏng quy mô Thiệu Phương Viên thời hoàng kim
Mô phỏng quy mô Thiệu Phương Viên thời hoàng kim

Mô phỏng quy mô của Thiệu Phương Viên thời hoàng kim: “Thiệu Phương Viên trong Hưng Khánh Môn, về phía bắc, có Thiệu Phương Viên Môn hướng Nam. 

Ở giữa là hồi lang, nóc tiếp nóc, bẻ vuông góc thành hình chữ Vạn. 4 góc hồi lang có 2 đường và 2 hiên: Đường ở góc Tây Nam là Di Nhiên Đường hướng Nam, bên hữu là Di Nhiên Môn, hướng đông. Hiên ở góc Đông Bắc là Vĩnh Phương Hiên, hướng Đông, phía tây là ao Tiểu Hữu Thiên, bên hữu hiên là Vĩnh Phương Môn, hướng Nam. Đường ở góc Đông Bắc là Cẩm Xuân Đường, hướng bắc, phía trước là Cẩm Xuân Phường Môn, bên Hữu là Cẩm Xuân Môn, đều hướng bắc, phía Đông có trường lang ven theo cung thành ra phía đông là Cẩm Uyển Môn. Hiên ở góc Tây Bắc là Hoàng Xuân Hiên, hướng Tây.

Phía tây Vạn Tự Hồi Lang là Hoàng Phúc Điện hướng đông, 5 gian 2 chái, trùng thiềm, lợp hoàng lưu ly. Phía nam điện có đình bát giác Nhân Thanh Bát Biểu, phía nam có ao sen, lạch ngự đi qua trước điện, bên đông là Trích Thúy Sơn, phía bắc xây cống nước thông ra Ngọc Dịch Trì. Phía đông đình là hữu dực lang, từ chái nam điện hướng sang đông qua lạch Ngự để nối với Di Nhiên Đường.

Phía bắc có đình vuông Minh Đạt Tứ Thông, bên đông bên tây có hồi lang liền với chái bắc điện, phía bắc là nhà tạ 3 nếp Trừng Quang tạ, có biển đề “lương đình điếu ngư”. góc đông bắc hồi lang có tả dực lang trở ra phía đông băng qua lạc Ngự nối với Hàm Xuân Hiên”

Ảnh của tác giả Nguyên Phong
Ảnh Thiệu Phương Viên của tác giả Nguyên Phong

Xin được đăng ảnh của tác giả Nguyễn Phong (sưu tầm). Rất tiếc theo dòng lịch sử thì khu vườn chỉ còn lại khoảng 3/4 diện tích, và qua quá trình khảo cổ chỉ có thể phục dựng lại Vạn Tự Hồi Lang.

Vạn Tự Hồi Lang
Vạn Tự Hồi Lang

Kiến trúc đặc sắc nhất của vườn là Vạn Tự Hồi Lang, khác với các hồi lang thông thường là một vòng khép kín, Vạn Tự Hồi Lang tỏa ra từ trung tâm để kết nối 4 kiến trúc khác của vườn.

4 kiến trúc ở 4 góc hồi lang
4 kiến trúc ở 4 góc hồi lang

Được dựng cùng thời điểm với Vạn Tự Hồi Lang tạo thành một quần thể thống nhất, 4 kiến trúc ở 4 góc hồi lang được bố cục xen kẽ, gồm Cẩm Xuân Đường góc đông bắc hướng bắc ra hồ Ngọc Dịch, Vĩnh Phương Hiên ở góc Đông Nam hướng Đông, Di Nhiên Đường góc Tây Nam hướng Nam và Hàm Xuân Hiên góc Tây Bắc, hướng Tây nhìn qua lạch Ngự Câu và điện Hoàng Phúc.

Giữa các Đường và Hiên lại có tường ngăn nhỏ để chia khu vườn ra thành các “tiểu viên” theo bố cục Viên Trung Hữu Viên (trong vườn có vườn) của nghệ thuật vườn cảnh Á Đông. Kiến trúc màu sắc bản vẽ có khác biệt với hiện trạng phục dựng.

Điện Hoàng Phúc
Điện Hoàng Phúc

Điện Hoàng Phúc quy mô khá to lớn với 5 gian 2 chái, ngói lợp hoàng lưu ly được xây dựng đồng thời với Vạn Tự Hồi Lang (năm Minh Mệnh thứ 9, 1828) tuy nhiên ban đầu 2 công trình này nằm tách biệt với nhau bởi lạch Ngự Câu. Hiện tại toàn bộ điện Hoàng Phúc nằm trong sân của Thái Bình Lâu, chỉ khảo cổ được góc Đông Nam của điện nhưng cũng chứng minh được sự tồn tại của nó. Điện bị triệt giải năm Thành Thái thứ 8 (1896), sau này nền móng của nó trở thành một phần của Thái Bình Lâu dựng thời Khải Định vì vậy không thể tái hiện được trong tương lai.

Điện Hoàng Phúc còn gắng với các biến động lịch sử lớn: Năm Minh Mạng thứ 22 (1841) tức khi vua băng hà, điện Hoàng Phúc được định làm nơi tự quân để tang (cư tang) nhà vua. Lệ này còn đến cuối thời Tự Đức khi vua Dục Đức để tang và bị giam lỏng ở đây, mở đầu biến sự “Tứ Nguyệt Tam Vương”. Sau này vua Duy Tân và Thành Thái dùng Đông Các làm điện cư tang, đến thời Khải Định thì định lại chọn điện Quang Minh. 

Dực lang
Dực lang

Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), vua đã cho dựng thêm các dực lang để kết nối điện Hoàng Phúc và Vạn Tự Hồi Lang, tạo thành một tổ hợp thống nhất cho vườn. Ngoài ra, cũng có 1 trường lang nhỏ khác để nối qua Cẩm Uyển Môn sang Cơ Hạ Viên.

Một số kiến trúc phụ
Một số kiến trúc phụ

Ngoài ra còn một số kiến trúc phụ khác như đình bát giác Nhân Thanh Bát Biểu, đình vuông Minh Đạt Tứ Thông ở 2 bên điện Hoàng Phúc và nhà tạ 3 nếp Trừng Quang để làm nơi câu cá (gọi là “lương đình điếu ngư”).

Mô phỏng điện Hoàng Phúc trước lạch Ngự Câu
Mô phỏng điện Hoàng Phúc trước lạch Ngự Câu

Thiệu Phương Viên – Một số vấn đề về khảo cổ

1. Vấn đề về Vạn Tự Hồi Lang

Kiến trúc độc đáo nhất của vườn Thiệu Phương, cũng là một trong các kiến trúc được dựng đầu tiên từ thời lập vườn, đồng thời nhờ còn khuông viên nguyên vẹn nên nó là mục tiêu nhắm tới trong đợt khảo cổ.

Tuy nhiên khi so sánh đối chiếu giữa không ảnh kết hợp với khảo sát thực tế, có sự sai khác giữa kết quả khảo cổ và hiện trạng vườn sau khi phục dựng.

Kết quả khảo cổ chỉ ra theo trục Đông – Tây thì 2 đầu hồi lang có chiều dài bằng nhau, trong khi trục Nam -Bắc thì cánh nam lại dài gần gấp đôi cánh phía bắc.

Hiện tại sau khi phục dựng chiều dài các đoạn hành lang của Vạn tự hồi lang lại khác biệt với bản vẽ khảo cổ: cánh tây dài gấp đôi cánh đông làm lệch trục hành lang về phía tây, đoạn nam/bắc lại xấp xỉ ngang nhau, làm cho trục đăng đối còn lại theo dấu tích khảo cổ cũng không còn.

Không rõ đây là chủ ý thay đổi của quá trình “trùng tu thích nghi” nhằm cố gắng dựng lại Vạn tự hồi lang trong một không gian đã không còn nguyên vẹn hay có phát hiện gì khác trong quá trình thi công.

Vì đang sử dụng những tư liệu của kết quả khảo cổ, cũng như muốn thể hiện sự khác biệt với hiện trạng trùng tu, tôi xin dựng lại Vạn tự hồi lang với kích thước như đã kể trên mà không dùng lại hình ảnh hiện tại.

(Ở đây chưa dám khẳng định việc trùng tu sai lệch di tích, hy vọng sau này có thể tiếp cận bản vẽ trùng tu để được hiểu rõ hơn. Rất tiếc là hiện tại trên trang web trung tâm bảo tồn không còn đăng những bản dự án vẽ trùng tu như trước nữa.)

Toàn cảnh kinh thành Huế

2. Khẩu Tự Hồi Lang (?) “kẻ kế thừa vắn số” của Vạn Tự Hồi Lang?

Kết quả khảo cổ, ngoài 1 số dấu tích ít ỏi của một vài kiến trúc không rõ ràng thời Gia Long, ngạc nhiên thay lại lộ diện khá rõ một dấu tích kiến trúc muộn hơn Vạn Tự Hồi Lang, gồm: Một kiến trúc 3 gian 2 chái ở giữa được bao quanh bởi 1 hệ hồi lang chữ Khẩu có kích thước khá lớn.

Hệ Hồi Lang này còn đi về phía tây, có lẽ để kết nối với điện Hoàng Phúc, nếu vậy sẽ tạo thành một quần thể kiến trúc hình chữ Nhật (日) khá đồng dạng với cung viên khác của Đại Nội (Kiến trúc chữ Vương của Cung Trường Ninh, Vạn Tự Hồi Lang trước đó).

Vật liệu xây dựng kiến trúc có sự xuất hiện của vữa ximăng, nên có thể khẳng định giai đoạn muộn hơn, có sự tham gia của người Pháp (cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20)

Tạm thời, để thể hiện sự đa dạng về hình thái kiến trúc của khu vực này, tôi tạm gán thời điểm này trùng với các bức ảnh của ông Trumelet Faber chụp trong giai đoạn 1889-1890 đầu triều Thành Thái. Hy vọng bộ ảnh không dừng lại đó mà có thể còn thêm nhiều ảnh chưa lộ diện nữa.

so sanh doi chieu ket hop khao sat

So sánh đối chiếu giữa không ảnh kết hợp với khảo sát thực tế, có sự sai khác giữa kết quả khảo cổ và hiện trạng vườn sau khi phục dựng.

Kết quả khảo cổ chỉ ra theo trục Đông-Tây ( hướng ở đây là hướng tương đối, gáng cho trục của kinh thành hướng nam) thì 2 đầu hồi lang chữ Vạn đi về 2 hiên là Hàm Xuân và Vĩnh Phương có chiều dài bằng nhau (14,5m, bẻ gập 8.4m), trong khi trục nam-bắc, thì cánh nam đi về Di Nhiên Đường lại dài gần gấp đôi cánh phía bắc đi về Cẩm Xuân Đường (16m và 9,1m).

Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, sau khi phục dựng chiều dài các đoạn hành lang của Vạn tự hồi lang lại khác với bản vẽ khảo cổ: 2 đoạn hành lang đáng lẽ có kích thước bằng nhau lai thay đổi với cánh tây dài gấp đôi cánh đông làm lệch trục hành lang về phía tây, trong khi đoạn nam/bắc có tỷ lệ gần 2:1 giờ lại xấp xỉ ngang nhau, do đó hiện trạng phục dựng đã làm không có cánh nào của Vạn tự hồi lang bằng với nhau, trục đăng đối còn lại theo dấu tích khảo cổ cũng không còn. Không rõ đây là chủ ý thay đổi của quá trình “trùng tu thích nghi” nhằm cố gắng dựng lại Vạn tự hồi lang trong 1 không gian đã không còn nguyên vẹn hay có phát hiện gì khác trong quá trình thi công.

su khac biet giua cac doan hanh lang

Không rõ vì sao, hoặc 1 chủ ý nào của người xưa khi tạo sự khác biệt giữa các đoạn hành lang như vậy, nhưng ta có thể nhìn nhận: vào thời Minh Mạng, khi Vạn Tự Hồi Lang còn đứng độc lập thì hướng nam hướng ra cửa Thiệu Phương Viên Môn có lẽ là trục chính của công trình, 2 cánh đông tây đối xứng qua trục, sự khác biệt giữa cánh nam/bắc không làm ảnh hưởng tới bố cục theo trục này. Chỉ khi vua Thiệu Trị cho nối Vạn Tự Hồi Lang với điện Hoàng Phúc (Phước) thành 1 quần thể thống nhất thì trục của vườn mới thay đổi theo hướng của điện Hoàng Phúc và việc mở thêm cửa Cẩm Uyển.

Vì đang sử dụng những tư liệu của kết quả khảo cổ, cũng như muốn thể hiện sự khác biệt với hiện trạng trùng tu, tôi xin dựng lại Vạn Tự Hồi Lang với kích thước như đã kể trên mà không dùng lại hình ảnh hiện tại.

( Ở đây chưa dám khẳng định việc trùng tu sai lệch di tích, hy vọng sau này có thể tiếp cận bản vẽ trùng tu để được hiểu rõ hơn. Rất tiếc là hiện tại trên trang web trung tâm bảo tồn không còn đăng những bản dự án vẽ trùng tu như trước nữa.)

Thủ pháp Viên Trung Hữu Viên - Trong vườn lại có vườn của nghệ thuật vườn cảnh Á Đông
Thủ pháp Viên Trung Hữu Viên – Trong vườn lại có vườn của nghệ thuật vườn cảnh Á Đông:

Vạn Tự Hồi Lang không chỉ là công trình trung tâm, 4 nhánh của nó còn chia khu vườn thành các khu vườn nhỏ hơn, mỗi khu vườn nhỏ lại có các cảnh riêng như phía bắc nhìn về hồ Ngọc Dịch, phía Tây nhìn về Ngự Câu, điện Hoàng Phúc…

ket qua khao co

Kết quả khảo cổ, ngoài 1 số dấu tích ít ỏi của 1 vài kiến trúc không rõ ràng thời Gia Long, ngạc nhiên thay lại lộ diện khá rõ 1 dấu tích kiến trúc muộn hơn Vạn Tự Hồi Lang, gồm: một kiến trúc 3 gian 2 chái, trùng thiềm ở giữa (nửa phải trùng với nền móng Hàm Xuân Hiên) được bao quanh bởi 1 hệ hồi lang chữ Khẩu có kích thước khá lớn. Dấu vết khảo cổ cho thấy hệ Hồi Lang này còn đi về phía tây, có lẽ để kết nối với điện Hoàng Phúc, nếu vậy sẽ tạo thành 1 quần thể kiến trúc hình chữ Nhật (日) khá đồng dạng với cung viên khác của Đại Nội (Kiến trúc chữ Vương của Cung Trường Ninh, Vạn Tự Hồi Lang trước đó). Vật liệu xây dựng ở đây phát hiện có sự tham gia của vữa xi măng, nên có thể khẳng định niên đại muộn của công trình, khoảng cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, trước thời điểm năm Khải Định thứ 6 (1921) xây dựng Thái Bình Lâu.

mo phong kien truc cua hoi lang chu khau

Tuy nhiên vì tôi chưa tiếp cận được tư liệu nào ghi chép về hình thái kiến trúc này của vườn TP, ngoài 1 số nghi vấn về ghi chép của thực lục có nhắc tới Thiệu Phương Đường(?)(năm Tự Đức thứ 11), Di Nhiên Điện(?)(năm Đồng Khánh thứ 3)… Tạm thời, để thể hiện sự đa dạng về hình thái kiến trúc của khu vực này, tôi tạm gán thời điểm này trùng với các bức ảnh của ông Trumelet Faber chụp trong giai đoạn 1889-1890 đầu triều Thành Thái. Hy vọng bộ ảnh không dừng lại đó mà có thể còn thêm.

Thiệu Phương Viên – Hơn cả 1 khu vườn

Khu vực phía Đông của Tử Cấm Thành, bao gồm vườn Thiệu Phương, có những thay đổi đáng kể trong suốt lịch sử triều đại. Tạm thời tôi chỉ chọn 3 mốc thời điểm:

1. Theo mô tả của biên soạn Hội Điển chính biên (hoàn thành năm Tự Đức thứ 4, 1851) là thời kỳ huy hoàng nhất của Đại Nội:

Trong 7 năm trị vì ngắn ngủi, vua Thiệu Trị đã mất gần 3 năm cư tang cha trong điện Hoàng Phúc của vườn Thiệu Phương, các hoạt động sinh hoạt và chính sự của triều đình đều diễn ra ở đây, cho tới ngày Nhâm Tuất năm Quý Mão (17/02/1843) vua mới ra ngự điện Càn Thành và thiết triều ở điện Cần Chánh. Điện Hoàng Phúc từ đó được định làm nơi cư tang của các trữ quân về sau cho tới thời Thành Thái mới gạ giải.(Đại Nam Thực Lục đệ tam kỷ).

Có lẽ vì lý do đó mà trong và sau thời gian để tang, vua đã cho mở rộng và xây dựng thêm, không chỉ vườn Thiệu Phương mà còn các công trình tiếp nối để tạo thành hệ thống cung điện liên hoàn: tả hữu dực lang nối điện Hoàng Phúc với Vạn Tự Hồi Lang, tạ Trừng Quang bên hông điện Hoàng Phúc và các đình tạ, nhà hát Tĩnh Quan Viện bên chái đông điện Cao Minh Trung Chính, Thanh Hạ Thư Lâu, Đạm Như Thi Xá, điện Dưỡng Tâm, điện Minh Thận bên hiên đông điện Càn Thành làm nơi phê duyệt tấu sớ.

Có thể khẳng định, đây là thời kỳ rực rỡ nhất của khu vực này, với các lâu / điện / đường / hiên / tạ / viện / hồi lang / dực lang tạo thế liên hoàng, thống nhất, lợp ngói lưu ly, ngói âm dương, cửa kính.

Khu vực này cũng là nơi chứng kiến rõ nhất sự thay đổi triều đại, tiêu biểu nhất là giai đoạn “Tứ Nguyệt Tam Vương” khi vua Dục Đức vào cư tang ở điện Hoàng Phúc bị giám sát nghiêm ngặt, sau khi bị giết, các vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc vào thay thế cũng chịu số phận bi thảm không kém. Chỉ đến thời Thành Thái hạ giải điện Hoàng Phúc, nơi ở của tự quân lần lượt chuyển sang Đông Các, sau đó điện là Quang Minh, khu vực này bị bỏ hoang phế, triệt giải.

2. Thời điểm bộ ảnh của Trumelet Faber khoảng 1889 – 1890 cuối triều Đồng Khánh đầu triều Thành Thái cho thấy rõ khu vực bờ Tây Nam của hồ Ngọc Dịch:

Hiện trạng vườn Thiệu Phương giai đoạn này không rõ ràng, ghi chép của sử sách vườn bị triệt giải ( trừ điện Hoàng Phúc) vào năm Đồng Khánh thứ nhất 1886, nhưng tới năm Đồng Khánh thứ 3 và đời Thành Thái vẫn nhắc tới các kiến trúc của vườn. Do đó, như đã nói ở bài trước, tôi xin giả định kiến trúc vườn thời điểm này theo bố cục chữ Khẩu và chữ Vương.

Khu vực từ điện Hoàng Phúc trờ ra Dưỡng Tâm cũng có những thay đổi nhất định: các ngói lưu ly và âm dương theo mô tả hội điển đã bị thay bằng ngói liệt, trừ điện Hoàng Phúc. Lầu Nhật Thành,theo ghi chép thì năm Thiệu Trị thứ 4 vua cho dời từ vườn Kỳ Thụ ở kinh thành vào dựng ở Hậu Hồ phía sau Đại Nội (Hội điển, Nhất Thống Chí), nay lại dời về khu vực này thay thế cho điện Minh Thận. Ngoài ra, 1 nhà tạ 5 gian được dựng bên đông của viện Tĩnh Quan.Sau thời điểm này 1 thời gian, đến năm Thành Thái thứ 8 1896 điện Hoàng Phúc bị triệt giải, các kiến trúc khác cũng lần lượt biến mất dần.

3. Tính từ khi vua Khải Định cho dựng Thái Bình Lâu cho tới ngày nay phục dựng Vạn Tự Hồi Lang. Một ngày nào đó, điện Dưỡng Tâm sẽ được phục dựng, là công trình cuối cùng còn thiếu, đồng thời sẽ ấn định hình thái cuối cùng của khu này. (dành cho mọi người đi tham quan thực tế Đại Nội Huế, xin không vẽ đè lên).

Phỏng dựng khu vực phía đông điện Dưỡng Tâm
Phỏng dựng khu vực phía đông điện Dưỡng Tâm

Theo mô tả của biên soạn Hội Điển chính biên (hoàn thành năm Tự Đức thứ 4, 1851) là thời kỳ huy hoàng nhất của Đại Nội:

  • Năm Minh Mạng thứ 9: Dựng vườn Thiệu Phương (Điện Hoàng Phúc và Vạn Tự Hồi Lang và các Đường/Hiên).
  • Năm Thiệu Trị nguyên niên: Làm tả hữu dực lang nối điện Hoàng Phúc với Vạn Tự Hồi Lang. Lắp cửa kính cho điện Dưỡng Tâm.
  • Năm Thiệu Trị thứ 3: Làm tạ Trừng Quang bên hông điện Hoàng Phúc và các đình tạ. Dựng nhà hát Tĩnh Quan Viện bên chái đông điện Cao Minh Trung Chính.
  • Năm Thiệu Trị thứ 4: Gỡ lầu Vĩnh Ninh đem vào dựng trước điện Dưỡng Tâm, gọi là Thanh Hạ Thư Lâu, dựng các dực lang tả hữu và tòa Đạm Như Thi Xá ( Thi xá coi như 1 thư phòng của vua để làm thơ). Dựng điện Minh Thận (sáng tỏ, cẩn thận) bên hiên đông điện Càn Thành làm nơi phê duyệt tấu sớ (rất tiếc không có mô tả quy mô, chỉ ghi điện lợp ngói lưu ly, cửa kính, nên đành phải phỏng đoán 1 kiến trúc 3 gian 2 chái trùng thiềm nằm quay về điện Càn Thành).

Đến lúc này thì hệ thống cung điện liên hoàn từ điện Càn Thành qua Dưỡng Tâm tới vườn Thiệu Phương cơ bản hoàn thành.

Có thể khẳng định, đây là thời kỳ rực rỡ nhất của khu vực này, với các lâu-điện-đường-hiên-tạ-viện-hồi lang-dực lang tạo thế liên hoàng, thống nhất, lợp ngói lưu ly, ngói âm dương, cửa kính. 

dien hoang phuc 1

Khu vực này cũng là nơi chứng kiến rõ nhất sự thay đổi triều đại, tiêu biểu nhất là giai đoạn “Tứ Nguyệt Tam Vương” khi vua Dục Đức vào cư tang ở điện Hoàng Phúc bị giám sát nghiêm ngặt, sau khi bị giết, các vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc vào thay thế cũng chịu số phận bi thảm không kém. Chỉ đến thời Thành Thái hạ giải điện Hoàng Phúc, nơi ở của tự quân lần lượt chuyển sang Đông Các, sau đó điện là Quang Minh, khu vực này bị bỏ hoang phế, triệt giải.

Phỏng dựng phối cảnh hồ Ngọc Dịch nhìn về điện Dưỡng Tâm
Phỏng dựng phối cảnh hồ Ngọc Dịch nhìn về điện Dưỡng Tâm
Phía đông điện Dưỡng Tâm dựa vào bộ ảnh Trumelet Faber

Thời điểm bộ ảnh của Trumelet Faber khoảng 1889-1890 cuối triều Đồng Khánh đầu triều Thành Thái cho thấy rõ khu vực bờ Tây Nam của hồ Ngọc Dịch.

Hiện trạng vườn Thiệu Phương giai đoạn này không rõ ràng, ghi chép của sử sách vườn bị triệt giải ( trừ điện Hoàng Phúc) vào năm Đồng Khánh thứ nhất 1886, nhưng sau đó tới năm Đồng Khánh thứ 3 và đời Thành Thái vẫn nhắc tới các kiến trúc của vườn. Do đó, như đã nói ở bài trước, tôi xin giả định kiến trúc vườn thời điểm này theo bố cục chữ Khẩu và chữ Vương.

Các công trình được tìm thấy trong ảnh

Khu vực từ điện Hoàng Phúc trờ ra Dưỡng Tâm cũng có những thay đổi nhất định: các ngói lưu ly và âm dương theo mô tả hội điển đã bị thay bằng ngói liệt, trừ điện Hoàng Phúc. Lầu Nhật Thành,theo ghi chép thì năm Thiệu Trị thứ 4 vua cho dời từ vườn Kỳ Thụ ở kinh thành vào dựng ở Hậu Hồ phía sau Đại Nội (Hội điển, Nhất Thống Chí), nay lại dời về khu vực này thay thế cho điện Minh Thận. Ngoài ra, 1 nhà tạ 5 gian được dựng bên đông của viện Tĩnh Quan.

dien hoang phuc 2

Sau thời điểm này một thời gian, đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), điện Hoàng Phúc bị triệt giải, các kiến trúc khác cũng lần lượt biến mất dần. 

Phỏng dựng lầu Nhật Thành thay thế cho điện Minh Thận.
Phỏng dựng lầu Nhật Thành thay thế cho điện Minh Thận.
Phỏng dựng phối cảnh hồ Ngọc Dịch nhìn về điện Dưỡng Tâm theo góc ảnh của ông Trumelet Faber
Phỏng dựng phối cảnh hồ Ngọc Dịch nhìn về điện Dưỡng Tâm theo góc ảnh của ông Trumelet Faber
Kho bạc của vua Minh Mạng

Một điều thú vị khác về khu vực này: đây không chỉ là một ngự viên, các cung điện để sinh hoạt, làm việc… mà còn chứa nhiều kho tàng ẩn do vua Minh Mạng để lại cho hậu thế. Cuốn Kho Báu Kinh Thành Huế trích dẫn về việc phát hiện các kho bạc của vua Minh Mạng trong khu vực này như sau: 

“Và từ ngày 13 tháng 2 (1889), cùng với các thành viên của hội đồng phụ chánh, trong số này có hoàng tử Tuy Lý, Rheinart đích thân tiến hành việc kiểm tra dinh thự cung điện. Tổng trú sứ Rheinart kể lại rằng “mỗi bước ông đi trong cung cấm là mỗi phát hiện dấu tích cướp phá cướp bóc trước đó”. Việc kiểm tra bắt đầu từ nhà hát hoàng cung ( Duyệt Thị Đường), nơi đây phát hiện hai hòm lớn, người ta quyết định ngày hôm sau sẽ mở ra. Rồi lại phát hiện những “rương hòm chứa nén bạc và lượng bạc, vài đồng tiền thưởng (bốn hòm chứa đến hơn 1000 lượng [?])”; tiếp đó lại phát hiện 18.989 nén bạc, tổng trọng lượng lên đến hơn 7 tấn bạc, có giá trị là 284.000 piastres. Rồi lại tìm thấy “ngọc ngà, châu báu, tiền thưởng kim khánh của vua với đá quý kim cương, 6 hay 7 thỏi vàng có xuất xứ từ việc nấu chảy đồ trang sức, và đồ trang trí trên áo mũ hoàng gia”. Của cải kho báu của đức vua không dừng lại ở chừng đó: còn phát hiện ở một nơi trong hoàng cung 450.000 đồng piastres phân bố vào ba nơi cất giấu ở hai cung điện Hoàng Phước và Quang Minh; phía sau điện Cao Minh, người ta còn phát hiện một nơi cất giấu của cải thứ tư. Ngày hôm sau nữa, người ta còn phát hiện ở điện Dưỡng Tâm hơn 100.000 đồng piastres.” (Đồng Piastres- Đông Dương).

“Ngày 3 tháng 8 năm 1899, ở sân phía sau của cung Cao Minh Trung Chính, người ta phát hiện ra một hố xây hình vuông có là 1,8 mét, ẩn cách mặt sàn 1 mét. Hó được đậy lại với một tấm ca cẩm thạch, trên tấm đá có đặt một đồng tiền vàng và mười tám đồng tiền lớn bằng đồng được trang trí với những câu châm ngôn về luân lý; trên đó có khắc ghi dòng chữ “năm ất-vị (sic) triều và Minh Mạng [1835], một trăm ngàn [lạng (sic)] cần được muôn đời sau bảo tồn vĩnh viễn để vương triều (Etat sic) khỏi phải lo lắng khi cần chi dùng”. Trong hố cất giấu, người ta đã tìm thấy 9991 nên bạc loại 1o lạng, như vậy gần như tương ứng với số 100.000 lạng được nêu ra. Hai ngày sau đó, giữa hai cung Hoàng Phúc và Thanh Hạ Thư, người ta lại khai quật một hố thứ hai tương tự như hổ đầu tiên, được đậy với tấm đá có khắc dòng chữ “năm quý-tị (sic) triều Minh Mạng [1833], một trăm ngàn lạng bạc truyền lại cho hậu duệ chúng ta, kho báu vương triều là sung túc”

Ngày 16 tháng 8 năm 1899, ở sân sau của cung Trường Xuân Tiên Quán (Ngự Viên), một hố thứ ba được phát hiện với tấm đá che có dòng chữ “Minh Mạng, tuần trăng thứ 9, một trăm ngàn lạng (sic) bạc bảo quản ngàn năm để vương triều sử dụng vì sự hưng thịnh”, ở hố này đếm được 9989 nén bạc. Ngày 7 tháng 9 năm 1899, ở lối đi giữa cổng Tường Loan và Tĩnh Quan Viện, một hố thứ tư được phát hiện, cất giấu 9992 nén bạc, tấm đá che trên có dòng chữ “năm Ất-Vị [sic, có lẽ là năm “Ất Mùi”], triều Minh Mạng 1835], một trăm ngàn lạng bạc được bảo quản cho muôn đời muôn năm, để sử dụng cho sự hưng thịnh của vương triều”.

Ở sân trước của điện Di Nhiên (Vườn Thiệu Phương), người ta tìm thấy một hố rỗng: khi chất vấn gia nhân của cung điện thì được biết là vài năm trước đó, vua Đồng Khánh đã phát hiện ra hố chôn này và chiếm lấy những nén được chôn giấu ở đây. Việc tìm kiếm các hầm hố của cải ngưng lại vào ngày 12 tháng 9, lý do liên quan đến vấn đề không mấy rõ ràng về thuế má, phía Sở Hải quan muốn thu từ toàn bộ khối kim loại mà phía Ngân khố [chính quyền bảo hộ] muốn chuyển đổi thành vàng và chuyển ra nước ngoài để đầu tư lấy lời. Toàn bộ lượng kim loại thu được từ các hố chôn lên đến 39.964 nén loại 10 lạng, tương đương hơn 15 tấn bạc.”

Bản quyền: Xin cám ơn nhiếp ảnh gia Nguyễn Phong đã cho phép sử dụng 2 tấm không ảnh.

(Bài viết đã được ghép lại từ loại 3 phần bài viết để độc giả tiện theo dõi hoàn chỉnh. Đồng thời, chúng tôi cũng chỉnh sửa một số lỗi soạn thảo, cũng như chỉnh lại độ dài của các đoạn viết giúp độc giả đọc dễ dàng hơn. Xin chân thành cảm ơn tác giả đã để lại bài viết vô cùng giá trị này.)

Share this article
0
Share
Shareable URL
Prev Post

Review tour Lào Cai – Hà Khẩu – Bình Biên – Mông Tự – Kiến Thủy 3N2Đ

Next Post

Ẩm thực miền Nam – Chuyện quanh chiếc bánh ít

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read next
Chú ý: website có sử dụng cookies, tìm hiểu về chính sách tại đây.