Nếu tinh ý, khi tới Okinawa bạn sẽ nhận thấy, văn hoá đương đại của họ có nhiều điểm khác biệt so với toàn bộ nước Nhật ngày nay. Nền văn hoá đó vốn dĩ đã hình thành trong 450 năm, khi còn là một vương quốc Ryukyu (琉球), trước khi bị nước Nhật sáp nhập vào năm 1429.
Họ Okinawa phát triển nền văn hoá đặc trưng riêng của mình, chịu ảnh hưởng từ văn hoá Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Trong lịch sử giao thương, ngoại giao của mình, Ryukyu đã tự xác lập cho mình một vị thế, một cái tên trên bản đồ thế giới xa xưa. Và đến tận ngày nay, nền văn hoá sôi động, đậm nét truyền thống của họ vẫn tồn tại.
Trung tâm Hàng hải Châu Á
Trong suốt 450 năm đó, Vương quốc Ryukyu đã phát triển mạnh mẽ, độc lập, cai quản các đảo Nansei (南西) ở vùng ngày nay là cực nam của Nhật Bản.
Quốc đảo Okinawa được tạo nên từ một chuỗi các đảo nằm giữa vùng Kyushu và Đài Loan. Thời nhà Minh bên Trung Quốc (nửa sau thế kỷ XIV), Ryukyu cũng là một trong những quốc gia phải triều cống hàng năm. Thời điểm đó, Ryukyu đã một thương cảnh phát triển cực thịnh, một trung tâm trung chuyển lớn trên các tuyến thương mại Đông Á. Họ nhập khẩu và bán lại các mặt hàng từ các quốc gia trên khắp khu vực Đông và Đông Nam Á.
Bankoku shinryō no kane (万国津梁の鐘, Chuông cầu quốc), được đúc vào năm 1458, dưới thời trị vì của Sho Taikyu (尚 泰久; 1415 – 1460), vị vua thứ sáu của triều đại Sho đầu tiên. Trên chuông có khắc những dòng chữ cổ bằng Hán tự, mô tả Ryukyu là một hòn đảo giống như Núi Bồng Lai (Hōrai) huyền thoại ở vùng biển phía Nam; một hòn đảo thiên đường, nơi đã du nhập những tinh hoa văn hóa từ Hàn Quốc, có quan hệ mật thiết với Nhật Bản và Trung Quốc. Ryukyu là cầu nối giữa các vương triều, và kho báu từ các quốc gia khác đã tràn ngập nơi đây.


Dòng chữ giúp ta thấy một cái nhìn thoáng qua về sự thịnh vượng đến với Ryukyu thông qua hoạt động thương mại. Sự phát triển như một quốc gia thương mại đã biến Ryukyu trở thành nơi trao đổi, tập trung đông các thương nhân, hàng hóa và các sắc thái văn hoá đến hỗn tạp. Quốc tế hoá chính là yếu tố quan trọng trong việc phát triển, tạo nên một nền văn hóa đặc biệt ở quần đảo này.
Nhưng Ryukyu rất dễ bị tổn thương.
Từ nửa sau của thế kỷ XVI, sự phát triển của mỏ bạc Iwami Ginzan ở cực tây của Honshu đã gây ra một cơn sốt bạc khắp Đông Á, dẫn đến sự trỗi dậy của hoạt động buôn bán hàng hải tư nhân sôi động nơi đây. Hệ quả là, sự sụt giảm được nhìn thấy rõ tại Okinawa, nơi đã từng phát triển mạnh với tư cách là điểm trung gian trên hệ thống thương mại quốc tế chính thức.
Năm 1609, gia tộc Shimazu (島津) của Satsuma ở miền nam Kyushu xâm lược Okinawa, sáp nhập vương quốc này vào Nhật Bản phong kiến, dù nó vẫn tiếp tục mối quan hệ chính thức với Trung Quốc. Để bổ sung nguồn thu do thương mại quốc tế đang giảm sút, các hòn đảo đã chuyển sang sản xuất và xuất khẩu đường và nghệ.
Những thay đổi này đã biến Ryukyu thành một kiểu xã hội mới, tiếp tục tồn tại như một thuộc địa nhỏ nằm giữa những người khổng lồ Nhật Bản và Trung Quốc cho đến năm 1879, trước khi chính thức bị sát nhập vào nhà nước Minh Trị (明治) hiện đại, với tên gọi: tỉnh Okinawa (沖縄).
Sắc thái văn hóa là sự kết hợp độc đáo
Một trong những đặc điểm của văn hóa Ryukyu là cách nó pha trộn nhiều yếu tố từ các nguồn văn hóa khác nhau.
Ví như các văn bản chính thức về việc bổ nhiệm (jireisho) do triều đình ban hành vào thế kỷ XVI, đã sử dụng sự kết hợp độc đáo của các văn bản và phong cách khác nhau từ khắp Đông Á. Nội dung chính của văn bản được viết bằng chữ hiragana (ひらがな) của Nhật Bản, nhưng các tài liệu lại sử dụng hệ kiểu triều đình nhà Minh, và được đóng dấu hoàng gia (con dấu Shuri) ở góc trên bên trái và bên phải của văn bản.
Những con tem và văn bản hành chính này là kết quả do chịu ảnh hưởng bởi các sắc lệnh chính thức do nhà triều đại nhà Minh và triều đình Hàn Quốc ban hành. Tại Nhật Bản, chữ hiragana không bao giờ được sử dụng trong các tài liệu chính thức, mà vốn được viết bằng phiên bản Hán tự trong tiếng Nhật. Các tài liệu về Ryukyu rất độc đáo và được viết theo một phong cách không tồn tại ở Trung Quốc hay Nhật Bản.

Trong tôn giáo, nó cũng có sự khác biệt mà không thấy tồn tại nơi đâu, và được kết hợp từ nhiều yếu tố truyền thống khác nhau.
Việc thờ cúng ở các Thần xã – 神社 (của Thần đạo – 神道) ở quần đảo bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các truyền thống của Kumano ở tỉnh Wakayama. Trong khi nhiều tira (đền thờ) dành riêng cho bijuru (đá thiêng) và gungin (gongen của Nhật Bản – hóa thân của một vị Phật dưới hình thức một vị thần kami) cũng có thể được tìm thấy trên khắp các hòn đảo. Từ tira dùng để chỉ một nơi cầu nguyện hơi khác với một ngôi chùa Phật giáo (nghĩa của từ cùng gốc với tera trong tiếng Nhật – 寺).
Về Phật giáo, đức tin vào Kannon (観音, Quan thế âm Bồ tát) có một lịch sử phong phú ở Okinawa, nơi hình ảnh của vị Bồ tát thường được hợp nhất với nữ thần biển Mazu của Trung Quốc. Trong tôn giáo bản địa, các nữ tu (noro) tôn thờ nữ thần Benzaiten (弁財天), như vị thần bảo vệ của Kikoe-ōkimi (聞得大君), nữ thần tối cao hoàng gia.
Tất cả những điều này đều có quan hệ chặt chẽ với nhiều hình thái truyền thống trong tôn giáo bản địa, bao gồm niềm tin vào “thế giới khác”, đá thiêng và sức mạnh tâm linh. Một khía cạnh về đức tin của người Kumano là, niềm tin vào một thế giới thuần khiết được gọi là Fudaraku, nằm ở đâu đó ở vùng biển phía nam. Điều này gần giống với tín ngưỡng của người Okinawa về “Niraikanai”, được cho là nằm ở đâu đó xa hơn biển Okinawa.
Niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của các nữ thần khác nhau, bao gồm Kannon, Benzaiten và Mazu, cũng bị ảnh hưởng bởi tín ngưỡng Onari cổ đại, vốn tin rằng sức mạnh tâm linh là lãnh địa của phụ nữ. Một ví dụ thú vị là truyền thuyết, mô tả nguồn gốc của gungin tại Futenma. Trong đó, kết hợp các yếu tố của một câu chuyện dân gian, gắn liền với nữ thần biển Mazu của Trung Quốc.
Đây chỉ là những ví dụ về cách các hình thái văn hóa, tư tưởng khác nhau được đưa tới nơi đây theo các tuyến đường thương mại, và được phát triển thành những hình thái mới, tạo ra một sự khác biệt mới trong văn hoá Ryukyu.
Nghệ thuật phát triển theo định hướng
Bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII, văn hóa Ryukyu có một vị thế mới, ảnh hưởng tới việc quản trị quốc gia. Theo Haneji shioki (羽地仕置), một sắc lệnh gồm các quy tắc được ban hành dưới thời tể tướng Haneji Choshu (1617–1676) hay còn gọi là sesshon, giới tinh hoa Ryukyu sẽ nghiên cứu thư pháp và thơ ca, cách uống trà, cắm hoa, âm nhạc, và nghệ thuật ẩm thực. Nói cách khác, không giống như các samurai của Nhật Bản, giới tinh hoa của Vương quốc ryukyu được kỳ vọng sẽ có các thành tựu về văn hóa hơn là nghệ thuật quân sự.
Kịch, âm nhạc và nghệ thuật ứng dụng được phát triển trong giai cấp thống trị, tập trung vào lâu đài tại kinh đô của vương quốc tại Shuri, nay là một phần của Naha.
Các loại hình nghệ thuật này đã không phát triển theo sự sáng tạo của từng nghệ sĩ hay khách hàng. Nói chính xác là, họ chịu sự giám sát và chỉ đạo bởi triều đình. Giới tinh hoa chịu trách nhiệm trau dồi nghệ thuật biểu diễn truyền thống, và tất cả các vũ công đều là nam giới.
Năm 1719, một buổi biểu diễn đã được tổ chức tại Lâu đài Shuri, chiêu đãi một sứ giả quan trọng nhà Minh, khi ông này tới chứng kiến và công nhận việc lên ngôi của vị vua mới. Đây là buổi biểu diễn Kumi Odori (組踊) đầu tiên, một loại hình nhạc kịch truyền thống của Okinawa, hiện đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể thế giới.


Triều đình Ryukyu thậm chí còn có một viên quan được gọi là thẩm vũ (odori bugyo), người chuyên tổ chức các chương trình giải trí dành cho các sứ giả Trung Quốc, và các vị khách danh dự khác. Người nổi tiếng nhất đảm nhiệm vị trí này là Tamagusuku Chōkun (1684–1734), người được cho là đã tạo ra Kumi Odori. Ca múa – kịch tiếp tục phát triển, và cuối cùng, nó đã chiếm được vị trí đáng tự hào mà ngày nay trở thành một loại hình nghệ thuật kịch truyền thống của Okinawa.
Kumi Odori bao gồm âm nhạc, kịch, lời nói và vũ đạo. Nó dựa trên các truyền thuyết cũ từ Nhật Bản, Trung Quốc và các câu chuyện dân gian Ryukyu. Đồng thời, kết hợp các yếu tố từ các truyền thống nghệ thuật như kịch nō, kyōgen và kabuki, và truyền thống “Min opera” của Phúc Kiến (Trung Quốc). Trong nghệ thuật kịch cũng vậy, Ryukyu kết hợp phong phú các yếu tố từ nhiều truyền thống văn hóa khác nhau trong khu vực.
Quyền lực mềm: đảm bảo vị thế quốc gia
Các đại diện từ Ryukyu đã gia nhập lãnh chúa phong kiến của Satsuma trong chuyến thăm đến Edo, để thể hiện lòng trung thành với shogun (tướng quân) tại lâu đài Edo. Trong số những người tới Edo từ Ryukyu, có các viên quan chuyên về kịch và âm nhạc, họ đã biểu diễn các điệu múa Ryukyu truyền thống trước các shogun và daimyo (lãnh chúa phong kiến của Nhật). Đặc biệt, những người đàn ông nổi bật từ giới quý tộc Shuri đã quyến rũ, và làm kinh ngạc người ở Edo. Và những nơi khác mà họ đi qua trong chuyến hành trình dài về phía bắc, và được trọng thị ở bất cứ đâu họ đến.
Những sứ mệnh triều cống này cũng dẫn đến sự giao lưu văn hóa và trí tuệ giữa Ryukyu và Nhật Bản. Trong thời gian ở Nhật Bản, Tei Junsoku (1663–1735), được gọi là “nhà hiền triết của Nago”, đã tạo dựng mối quan hệ với những người như Arai Hakuseki (1657–1725), và nhiếp chính Konoe Iehiro (1667–1739). Bài thơ mà Tei sáng tác khi được Konoe mời đến ở biệt thự của mình (Butsugai rōki) cũng nằm trong kho lưu trữ Yōmei Bunko ở Kyoto ngày nay.
Tei Junsoku cũng đóng một vai trò quan trọng khi đưa cho shogun bản sao của 6 khóa học về đạo đức (Riku yuengi), cuốn sách mà ông ta đã mang theo khi học ở Trung Quốc. Cuốn sách này sau đó đã được phổ biến rộng rãi trong các trường học ở đền thờ Terakoya (寺子屋) trên khắp nước Nhật trong thời kỳ Edo (1603–1867). Và từ đó, Ryukyu đã có tác động sâu sắc đến việc hình thành đạo đức Nhật Bản trong thời kỳ này.
Vai trò ngoại giao của nghệ thuật không chỉ giới hạn trong âm nhạc và kịch. Nghệ thuật ứng dụng cũng đóng một vai trò tương tự. Có lẽ ví dụ tiêu biểu nhất về nghệ thuật và thủ công của Okinawa là đồ sơn mài, đặc biệt là các đồ kaizuri được khảm xà cừ. Đồ sơn mài được sản xuất dưới sự kiểm soát của triều đình, và được dùng làm quà tặng chính thức trong ngoại giao. Ngày nay, các hiện vật sơn mài đó có thể được tìm thấy trong các bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya, hay Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.
Một lần nữa, những tác phẩm này không được tạo ra tự sự tự do sáng tác bởi các nghệ nhân. Các quan lại ở Kaizuri bugyōsho quyết định về mẫu mã và kiểu dáng của các sản phẩm, sau đó được sản xuất bởi các nghệ nhân rồi mới trình lên triều đình.
Khí hậu của Okinawa rất lý tưởng cho việc sản xuất đồ sơn mài, và Vương quốc Ryukyu đã sản sinh ra nhiều sản phẩm nổi bật.

Phong Thủy và Phong cảnh Làng Truyền thống của Okinawa
Nghịch lý thay, thời kỳ cai trị của Satsuma lại phải chứng kiến nền văn hóa của Ryukyu trải qua những thay đổi đáng kể từ văn hóa Trung Quốc một cách mạnh mẽ. Nho giáo trở thành một hệ tư tưởng, và phong thủy cũng như các khía cạnh khác của triết học Trung Quốc đã tràn vào.
Trong suốt thế kỷ thứ XVIII, các ngôi làng đã được xây dựng lại theo các nguyên tắc của phong thủy. Các bố cục kiểu lưới và cây fukugi là một phần của cảnh quan Okinawa ngày nay. Các nét quen thuộc khác của văn hóa Okinawa đã trở nên thịnh hành, ảnh hưởng từ Trung Quốc trong thời kỳ này, bao gồm shīsā (sư tử hộ mệnh), đá ishigantō đặt ở các ngã ba đường để xua đuổi tà ma, và những ngôi mộ lưng rùa kamekō-baka.




Vị trí của lâu đài Shuri cũng được sắp đặt theo nguyên tắc phong thủy, cùng với thành phố lớn lên phát triển xung quanh nó. Trọng tâm của việc thực hành fengshui (phong thuỷ) ở Ryukyu là ý tưởng về hōgō hay “bao bọc”. Ở Okinawa, cây cối được trồng để tạo hàng rào xung quanh nhà ở, và đảm bảo năng lượng dương hoặc không khí. Cây được trồng với số lượng lớn trên các ngọn đồi xung quanh lâu đài Shuri, để giữ không khí trong lâu đài và thị trấn xung quanh.
Nếu bạn tới du lịch Okinawa ngày nay, bạn không khó để tìm thấy những địa điểm với những hình thái văn hoá xưa của người Ryukyu như trên.
Sự thôn tính và quá trình chuyển đổi từ văn hóa tòa án sang theo đuổi phổ biến
Sau khi Vương quốc Ryukyu bị thôn tính vào năm 1879, văn hóa cung đình đã lan toả mạnh mẽ ra khỏi cố đô, tới vùng nông thôn, bắt rễ vào cuộc sống của người dân. Các quan viên, các quý tộc bị tước bỏ quan vị, họ làm những công việc mới, họ sáng tác các tác phẩm Okinawa và dân ca trở thành một phần của văn hoá tinh thần người dân trên đảo. Bạn đã bao giờ nghe dân ca Okinawa chưa? Hãy thử đi, bạn sẽ mê đấy!
Kumi Odori cũng vậy, nó lan rộng đến mọi ngóc ngách của xứ đảo, tới cả các hòn đảo ngoài Ryukyu, và tồn tại cho đến ngày nay như một loại hình nghệ thuật sân khấu đặc biệt và mang tính bản địa cao. Okinawa đôi khi còn được gọi là “hòn đảo của nghệ thuật kịch”.
Nền tảng lịch sử độc đáo của Ryukyu là một trong những lý do chính khiến văn hoá truyền thống cứ phát triển theo cách mà nó đã trải qua. Các nghệ nhân sơn mài cũng vậy, không còn cái bóng của triều đình đứng đằng sau, họ được mặc sức sáng tác theo cách mà họ muốn để kiếm sống.
Trận Okinawa năm 1945 là một thảm họa đối với người dân nơi đây. Hàng ngàn sinh mạng bị mất đi, hậu quả của chiến tranh đã cướp đi nhiều di sản của kho tàng văn hóa được xây dựng qua nhiều thế kỷ. Lâu đài Shuri và nhiều tòa nhà lịch sử khác đã biến thành đống đổ nát và tro bụi. Và sau chiến tranh, văn hóa Okinawa phải bắt đầu lại từ con số không.
Các nhạc sĩ cùng nhau chơi sanshin ngẫu hứng (một nhạc cụ truyền thống ba dây) bằng cách tái sử dụng các lon thu được từ Quân đội Mỹ, và các buổi biểu diễn lại bắt đầu. Các nghệ nhân làm bingata (một loại vải dệt nhuộm truyền thống của quần đảo), đã nỗ lực hết mình để phục dựng lại tất cả từ các mảnh vụn.
Nhờ nỗ lực của những người sống sót, văn hóa Okinawa đã được phục hồi và nuôi dưỡng, và nó phát triển mạnh mẽ trở lại ngày nay. Khi xem xét văn hóa của Okinawa và quần đảo Ryukyu, chúng ta đừng bao giờ quên rằng, nó không chỉ tồn tại trong yên bình trong suốt nhiều thế kỷ. Để có được ngày nay, chính là nhờ sự hy sinh của người dân trên đảo, những người đã cống hiến hết mình để gìn giữ nền văn hóa của họ sống mãi đời đời, bất chấp những thảm hoạ.

Ảnh minh hoạ đầu bài viết là Tòa nhà tiên nữ, đó chính là sảnh chính của lâu đài Shuri, một biểu tượng của nền văn hóa Ryūkyū. Kiến trúc đặc biệt, độc đáo của quốc đảo, kết hợp các yếu tố của phong cách truyền thống Trung Quốc và Nhật Bản. Công trình này được xây dựng lại và hoàn thành vào năm 1992, theo mô hình trước đó từ năm 1715. Tòa nhà đã bị hỏa hoạn phá hủy vào ngày 31/10/2019.