Nhưng cuộc bầu cử năm 2020 để tìm người người kế nhiệm ông Abe đã cho thấy, vị trí hàng đầu vẫn không dành cho phụ nữ. Và nếu không có một nữ lãnh đạo đứng đầu cho LDP mà nam giới đang thống trị, Nhật Bản có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy nữ thủ tướng đầu tiên của mình.
Hai nhà lập pháp nữ nổi tiếng – Seiko Noda và Tomomi Inada – đều có tham vọng thủ tướng. Cả hai đều có những ý tưởng giải quyết thách thức của quốc gia về tình trạng dân số ngày càng giảm, già hoá, và cam kết bảo vệ sự đa dạng. Tuy nhiên, không ai trong số họ quyết định nhận lấy thách thức, không được khuyến khích tranh cử, do chính trị bè phái và các cách tiếp cận lỗi thời dựa trên quan niệm sâu xa rằng, nam giới là lãnh đạo còn phụ nữ thì không.
Điều gì đã ngăn họ chạy đua?
Bà Noda bất ngờ trước quyết định đột ngột từ chức vì bệnh tật của ông Abe, và chưa chuẩn bị để sẵn sàng tranh cử trong năm nay. Dù bà đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử vào năm 2021, dự định khi nhiệm kỳ chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do của Abe sẽ kết thúc. Bà cho rằng, việc ứng cử của mình là “vô nghĩa”, vì sự ủng hộ của các phe phái quyền lực trong LDP dành cho Suga, cánh tay phải của Abe, nhanh chóng trở thành người được yêu thích để giành được vị trí hàng đầu.
Bà Noda đã được bầu vào Hạ viện 9 lần, kể từ lần giành chiến thắng đầu tiên vào năm 1993. Bà đã đảm nhiệm một số chức vụ bộ trưởng, bao gồm các chức vụ Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông và Bộ trưởng phụ trách trao quyền cho phụ nữ. Bà cũng trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Ngân sách Hạ viện.
Trong khi đó, bà Inada quyền Tổng thư ký điều hành LDP, là một người ủng hộ và có chung quan điểm bảo thủ với ông Abe, từng được coi là đang trên đường trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Rồi vì bê bối che dấu dữ liệu nên đã phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong một thời gian ngắn.
Tiêu chuẩn để tham gia cuộc đua chức danh Thủ tướng là rất cao. Các ứng cử viên phải có được sự ủng hộ của ít nhất 20 nghị viên Đảng LDP, như một điều kiện tiên quyết cho việc ứng cử của họ.
“Ngay cả Ishiba, một lựa chọn yêu thích của công chúng cũng chỉ có 19 thành viên ủng hộ trong phe của anh ấy. Điều này cho thấy, điều kiện tiên quyết này là một thách thức rất khó khăn,” Noda nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Japan Times. Bà than thở rằng quy trình bầu cử hiện tại không đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả các ứng viên.
“Tôi muốn LDP đưa ra một hệ thống bầu cử dân chủ hơn, cho phép nhiều nữ chính trị gia vươn lên. Chẳng hạn như quy trình đề cử tổng thống Mỹ, với các cuộc bầu cử sơ bộ, trong đó các ứng cử viên được lựa chọn (theo phổ thông đầu phiếu),” bà nói.
Ở cuộc bầu cử sơ bộ trong cuộc bầu cử năm 2020 tại Mỹ có tới sáu phụ nữ. Trong khi đó ở Nhật Bản, các ứng cử viên nữ không có cơ hội để tranh cử trong cuộc bầu cử lãnh đạo LDP, cũng như cuộc bầu cử lãnh đạo đảng đối lập chính, Đảng Dân chủ Lập hiến.
Đây không phải là lần đầu tiên Noda phải từ bỏ việc tranh cử vào vị trí lãnh đạo của LDP. Trong năm 2015 và 2018, bà đã tìm cách thách thức Abe trong cuộc bầu cử lãnh đạo, nhưng đã phải bỏ cuộc sau khi không giành được sự ủng hộ của đủ 20 nghị viên.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Inada, người được so sánh với Noda, có ít kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực chính trị, cũng từ bỏ việc chiến đấu để nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp khác.
Chính trị của Nhật Bản bị chi phối bởi các phe phái, đóng vai trò lớn trong việc phân bổ các chức vụ trong đảng, Nội các. Cũng như trong việc xác định ai sẽ giành chiến thắng trong các cuộc đua lãnh đạo. Tuy nhiên các nhà lập pháp nữ hiện đang bị bỏ quên, họ gặp khó khăn trong việc nhận được sự ủng hộ của phe phái. Để cạnh tranh vị trí thủ tướng, các nhà lập pháp nữ cần phải củng cố vị trí của họ trong mối quan hệ với các phe phái của đảng.
Cho đến nay, Yuriko Koike – một trong những nũ chính trị gia quyền lực nhất của đất nước, hiện đang giữ chức Thống đốc Tokyo – là người phụ nữ duy nhất tranh cử chủ tịch LDP trong cuộc bầu cử năm 2008, khi thách thức truyền thống bảo thủ của Taro Aso và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba. Mặc dù Koike đã giành được sự ủng hộ của 20 nhà lập pháp với sự hỗ trợ từ cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, một trong những chính trị gia nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong nước, bà vẫn thua cuộc đua, đứng thứ ba trong số năm ứng cử viên.
Misako Iwamoto, Giáo sư tại Đại học Mie, và là một chuyên gia trong lĩnh vực giới tính và chính trị cho biết: “Các nữ chính trị gia sẽ không thể tiến tới vị trí thủ tướng, chừng nào họ không thể củng cố vị thế của mình trong các phe phái, và đứng ở vị trí cao nhất”.
Theo Iwamoto, các nữ chính trị gia hiếm khi được bổ nhiệm vào các vị trí ra quyết định trong Hội đồng Nghiên cứu Chính sách, một cơ quan thảo luận trong LDP hoặc Nội các.
Noda lưu ý rằng, giới tính là một trong những lý do chính khiến các nữ chính trị gia không được bổ nhiệm. Và do đó, họ không có đại diện trong các vị trí ra quyết định, và điều này cản trở cơ hội chiến thắng của họ.
“Sự bổ nhiệm thường đến bất ngờ, phụ nữ được sử dụng như một vật trang trí – họ không bao giờ được bổ nhiệm vào các vị trí giám sát các lĩnh vực mà họ xuất sắc”, bà nói. “Trong LDP, phụ nữ được coi là cứu cánh khi đàn ông gặp khó khăn, nhưng không có chỗ cho họ khi đàn ông tin rằng vị trí của họ là an toàn. Phụ nữ thường được đặt vào các vị trí bị bỏ trống, ví như sau khi một nghị sĩ nam từ chức giữa một vụ bê bối, như một loại cứu cánh. Và mỗi thất bại đều vấp phải những lời chỉ trích gay gắt”.
Cho đến nay, không có nữ chính trị gia nào có thể lặp lại thành công của Akiko Santo, một thành viên LDP kỳ cựu và chủ tịch Hạ viện. Người đã lãnh đạo một phe gồm 11 thành viên, hợp nhất với một nhóm quyền lực hơn, do Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng đứng đầu. Taro Aso, trở thành phe lớn thứ hai trong đảng. Ngay cả khi là lãnh đạo của một phe phái trong LDP, Santo cũng chưa bao giờ được coi là phù hợp với vai trò thủ tướng.
Inada tin rằng, nỗ lực trở thành thủ tướng của bà với tư cách là một phụ nữ, sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với chính trường của Nhật Bản và LDP.
Với tư cách là một thành viên cùng phe với Abe, người đã quyết định không đưa ra bất kỳ ứng cử viên nào, và nổi tiếng là cố vấn thân cận của ông, Inada không thể đi ngược lại xu hướng và nộp đơn ứng cử, lo lắng sẽ va chạm với các nghị viên, những người có thể ủng hộ cô ấy.
Chính phủ đã nói tới việc, trao quyền cho phụ nữ cao hơn trong chương trình nghị sự của mình. Và các chính sách của Abe nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế và chính trị, được gọi là womenomics, là một trụ cột trong nỗ lực của ông đối phó với tỷ lệ sinh thấp và dân số già. Nhưng không ai trong số các nghị viên mong đợi một người phụ nữ lên đỉnh cao.
Bà Inada nói với The Japan Times trong một cuộc phỏng vấn: “Nhật Bản đã nổi tiếng là một nền dân chủ không có phụ nữ. Do tỷ lệ trong nghị trường, chính quyền địa phương thấp. Và quan niệm phổ biến rằng công việc này là dành cho nam giới”.
Trong một báo cáo do Liên minh Nghị viện công bố vào tháng 3/2019, Nhật Bản xếp thứ 165 trong số 193 quốc gia về tỷ lệ đại diện chính trị cho nữ giới. Với
chỉ 10,2% các nhà lập pháp tại Hạ viện là phụ nữ, một trong những quốc gia thấp nhất trong thế giới công nghiệp hóa.
Bà nói: “Điều cần thay đổi, đầu tiên là thúc đẩy số lượng nữ chính trị gia để thay đổi tình trạng (do nam giới thống trị) này.
Iwamoto lo ngại, quốc gia sẽ phải tiếp tục đấu tranh để tăng số lượng nhà lập pháp nữ.
Trong Báo cáo Khoảng cách giới do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố vào tháng 12/2019, Nhật Bản được xếp hạng 121 – vị trí thấp nhất từ trước đến nay – dưới tất cả các nước thuộc Nhóm 7 khác. Về tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị, Nhật Bản đứng thứ 144.
Những nỗ lực cấp cơ sở để hỗ trợ các nữ chính trị gia trong vài năm qua đã bắt đầu lan rộng khắp đất nước.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Noda đã làm việc để khuyến khích nhiều phụ nữ đóng vai trò tích cực hơn trong chính trị. Với niềm tin rằng, phụ nữ thông thạo hơn các vấn đề xuất phát từ tỷ lệ sinh và dân số già hơn nam giới. Và nhờ đó, có thể tìm ra các giải pháp tốt hơn để giải quyết những vấn đề này.
Đầu năm nay, bà Inada đã đề xuất sửa đổi Điều 14 của Hiến pháp. Trong đó quy định rằng, mọi người đều bình đẳng theo pháp luật và không có sự phân biệt đối xử trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế hoặc xã hội. Bà đề nghị sửa đổi nó với một đoạn về nghĩa vụ xóa bỏ bất bình đẳng giới, bằng cách đưa ra một hệ thống hạn ngạch, nhằm tăng số lượng nữ chính trị gia được bầu. Nhưng đề xuất của bà đã vấp phải sự từ chối từ chính bên trong đảng của bà.
Bà cũng nhắc đến trường hợp sửa đổi Điều 3 và 4 của Hiến pháp nước Pháp vào tháng 6/1999, để thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng của nam giới và phụ nữ vào các vị trí được bầu, bà Inada nói rằng bà sẽ hoan nghênh những sửa đổi tương tự ở Nhật Bản.
Bà nói: “Xã hội đã quen với nền chính trị do nam giới thống trị và thiếu sự xuất hiện của phụ nữ trong LDP. Nó nên được phơi bày ra, để đa dạng hoá các tiếng nói từ bên trong đảng, cũng như trong cuộc bầu cử lãnh đạo (LDP)”. “Tôi muốn thấy nhiều cuộc tranh luận hơn về lý do tại sao rất ít phụ nữ tham gia chính trị.”
Đại hội đồng LDP quyết định rằng, cuộc bầu cử năm nay sẽ chỉ có nhiệm kỳ một năm, và kết thúc vào tháng 9 /2021. Noda và Inada dự kiến sẽ đối mặt thách thức vào năm tới.
Inada hy vọng rằng, ông Suga sẽ thúc đẩy tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Trong khi đó, Noda hy vọng, chiến thắng của một nữ ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể mở đường cho một nữ lãnh đạo ở Nhật Bản. Mỹ chưa bao giờ có nữ tổng thống. Nhưng kỳ vọng đang tăng lên khi Thượng nghị sĩ California, bà Kamala Harris, người ban đầu tranh cử tổng thống đảng Dân chủ năm 2020, đã được Joe Biden chọn làm phó tổng thống tranh cử. Và nếu dành chiến thắng vào tháng 11, nó sẽ rất quan trọng đối với cơ hội bầu cử của Kamala Harris vào năm 2024.
Tuy nhiên, Iwamoto cảnh báo rằng, nỗ lực của các nhà lập pháp nữ không đủ để thúc đẩy cho phụ nữ có cơ hội vươn lên hàng đầu. Nam giới cũng cần trở thành tác nhân của sự thay đổi.
“Các nhà lập pháp nam, đặc biệt là các ông trùm phe phái trước tiên sẽ cần phải thay đổi thái độ, và chấp nhận phụ nữ (như những ứng viên tiềm năng cho công việc hàng đầu)”, bà nói.