Kể từ thời Minh Trị, ảnh hưởng của kiểu nhà ở của các nước phương Tây đã bắt đầu tạo dấu ấn lên thiết kế nhà của người Nhật. Nhưng phải cho tới sau thế chiến thứ II, mức độ ảnh hưởng mới trở nên sâu sắc và lan rộng.
Tuy nhiên, bạn sẽ luôn tìm thấy những phong cách truyền thống được truyền từ cả nghìn năm nay trong những thiết kế mới đó. Có vẻ, chúng sẽ chẳng bao giờ mất đi.
Khi nhắc đến phong cách nhà truyền thống của người Nhật có nghĩa là ta nói đến minka (民家), có nghĩa là nhà dân. Nói vậy là để phân biệt giữa nhà dân và nhà của giới hoàng gia Nhật. Những căn nhà này khi nhắc đến là bạn sẽ liên tưởng ngay đến những chiếc chiếu trải sàn, đó chính là tatami (畳), với những tấm cửa trượt, hay những hàng hiên bằng gỗ. Không lẫn vào đâu được.
Minka được xây dựng theo những nguyên tắc kiến trúc truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong điều kiện khí hậu cũng như địa hình quốc đảo Nhật Bản.
Minka có một số đặc trưng dễ nhận thấy như:
- Tận dụng tối đa vật liệu tự nhiên. Gỗ, tre, bùn là những thứ vật liệu phổ thông nhất thường được dùng do khả năng cách nhiệt tốt, giúp điều hòa nhiệt độ trong nhà.
- Kiến trúc tối giản, gọn gàng với các đường nét thẳng tắp, không cầu kỳ. Cách thiết kế này khiến cho căn nhà thoáng mát, giúp cho chủ nhân dễ dàng làm vệ sinh.
- Tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên với rất nhiều cửa sổ và cửa trượt. Điều này giúp cho ánh sáng tự nhiên có thể chiếu vào nhà, tạo nên một không gian sống ấm áp và tràn ngập ánh sáng. Và đặc biệt là chuẩn theo lối sống gần gũi với thiên nhiên của người Nhật.
- Bố trí nội thất tối giản, những gì không cần thiết sẽ không xuất hiện. Từ đó, không gian sống trở nên rộng rãi và thoáng mát hơn.
Với cùng các đặc trưng trên, ngày trước nó còn phân biệt ra nhiều loại minka khác nhau, dựa trên công năng và vị trí. Phổ biến nhất là loại minka nông thôn, minka ngư dân, minka thợ thủ công.
Ngày nay, bạn có thể tìm thấy những căn nhà có phong cách truyền thống tại các vùng nông thôn của Nhật. Và đặc biệt là xu hướng quay trở về với phong cách minka xưa kia được nhiều người để ý đến, tất nhiên nó sẽ hiện đại hơn. Những ngôi nhà truyền thống được xây dựng ở thành phố thường được kết hợp với các tiện nghi hiện đại, kiểu tân cổ giao duyên ấy.
Hãy cởi giày
Nhưng bạn có chú ý, một yếu tố nữa khó có thể lẫn đi đâu giữa những ngôi nhà lai Tây kia không? Đó là đoạn sảnh ra vào, người ta gọi là 玄関 (genkan), nơi mọi người trước khi bước vào nhà cởi bỏ dày dép của mình đó.
Ở đoạn này, phần sàn sẽ giật cấp, ta sẽ phải cởi giày trước khi bước vào nhà tại đây. Phần sàn khi bước vào trong được nâng cao lên không phải để bạn ngồi cởi giày đâu, vốn là người ta để cao vậy, tránh ẩm ướt xâm nhập cũng như lúc ngập lụt khi mưa lớn.
Khu vực thấp hơn có cái tên 三和土 (tataki), và theo truyền thống, nó được làm bằng đất. Còn ngày nay, người ta phủ bê tông.
Sau khi cởi, ta sẽ đặt giày vào một tủ giày có tên gọi 下駄箱 (getabako). Tên của chiếc tủ là từ ghép của chữ geta, một loại guốc gỗ mà người Nhật ngày xưa hay sử dụng.
Khi mưa trút xuống, giống như nhiều căn nhà ở Việt Nam, sẽ có một máng xối 雨樋 (amadoi) để dẫn nước mưa thoát từ mái. Nhưng đoạn này mới hay này, nước lại chảy xuống một đường dẫn có tên 鎖樋 (kusaridoi). Rất ngộ, tuy có công dụng để chảy nước, nhưng đồng thời, nó cũng là một vật dùng để trang trí luôn, người ta còn gọi là “chuỗi mưa”.
Fusuma và Shōji
Một đặc trưng khác về nhà truyền thống của người Nhật, đó là các vách ngăn, cửa kéo. Chúng được làm từ một loại giấy gọi là 和紙 (washi) của Nhật.
Không rõ là các thiết kế cửa trượt hiện đại có phải là lấy ý tưởng từ cửa trượt này của Nhật không nữa, chỉ biết là nó đã có từ hàng trăm năm nay. Tuy rãnh trượt là trực tiếp các tấm cửa đè lên rãnh để kéo qua lại, nhưng nó rất trơn và êm, và hoàn toàn không cần đến bánh xe gì hết. Những tấm vách này ta không chỉ gặp được ở nhà dân, mà kể cả các khách sạn họ cũng dùng luôn.
Có hai kiểu thiết kế vách ngăn và cửa khác nhau với các cái tên 襖 (fusuma) và 障子 (shōji).
Fusuma sử dụng loại giấy nặng hơn, đôi khi lại làm bằng vải và mờ đục. Không giống như các bức tường xây kiên cố, fusuma có thể dễ dàng được tháo rời để sắp xếp lại không gian trong nhà.
Shōji nhẹ hơn fusuma, với giấy được dán vào các khung gỗ. Thêm nữa, chúng ta có thể nhìn xuyên qua tấm vách này theo kiểu mờ ảo thôi, và vừa đủ cho ánh nắng tràn vào làm sáng lên căn phòng. Loại giấy sử dụng cho shōji xốp nên cũng giúp lưu thông không khí và giảm độ ẩm. Trong những ngôi nhà kiểu Nhật hiện đại, chúng thường được đặt ở những cánh cửa giữa những ô kính. Với một biến thể, được gọi là 雪見障子(yukimi shōji) nghĩa là “cửa ngắm tuyết”, bạn có thể trượt phần dưới lên và nhìn ra ngoài qua kính.
Tatami
Rồi, giờ tới cái mà ai cũng biết là cái gì đó. Sàn chiếu 畳 (tatami).
Lần đầu tiên mình đi thuê nhà để ở bên đó, tatami chính là thứ mình phải học đầu tiên. Người Nhật không dùng đơn vị đó mét vuông để quảng cáo cho thuê, họ dùng đơn vị tatami luôn (*). Đại khái kiểu “căn nhà này rộng mấy chiếu”, thế đó.
Các chiếu tatamin sử dụng nguyên liệu từ cói mà dệt thành, một thứ chắc chắn không bao giờ thiếu trong các căn nhà truyền thống của người Nhật. Lúc mới làm nhà xong, mùi thơm từ những chiếc chiếu tatami luôn thoang thoảng khắp phòng. Chỉ cho đến khi dùng đã quá lâu rồi, mùi chiếu mới bắt đầu tan bớt đi.
Có lẽ chỉ khi bước chân lên hay nằm nghỉ trên những chiếc chiếu này, bạn mới cảm nhận được độ êm và sự dễ chịu của chúng. Không rõ vô tình hay cố ý, nhưng một tấm chiếu này có thể hút tới 500ml hơi ẩm trong không khí, và khi trời ấm nóng lên, mọi thứ sẽ bốc hơi. Nhưng cũng đừng sợ mốc nhé, mình chưa thấy điều đó bao giờ. Thêm nữa, nó còn hấp thụ luôn cả thứ khí độc nitơ đioxit, giúp làm sạch không gian trong phòng. Thật tinh tế.
Tokonoma
床の間 (Tokonoma) là một khoảng trống giữa tường, chủ yếu là để trang trí. Nó sẽ cao hơn mặt sàn một chút, khoảng 10cm gì đó. Thường mình hay thấy người ta treo tranh, là những bức tranh phong cách cổ, không phải tranh hiện đại đâu. Phía mặt sàn của nó, họ sẽ đặt một mảnh gốm, hay lư hương kōro, và cũng có thể là một lọ cắm hoa ikebana.
Ngay cả khi thiết kế các phòng washitsu truyền thống ít đi, người ta vẫn thường trải chiếu tatami ở một phần của căn phòng kiểu phương Tây để ngủ, dựng shōji thay vì rèm, và tắt đèn bằng chao đèn washi.
Phòng tắm
Trong các ngôi nhà truyền thống của người Nhật, nhà vệ sinh và phòng tắm được ngăn cách. Phòng tắm bao gồm một khu vực để rửa và một bồn tắm để ngâm mình. Ngoài ra còn có một phòng nhỏ liền kề để thay quần áo và cởi quần áo.
Các gia đình Nhật Bản thường sử dụng cùng một loại nước tắm, cẩn thận tắm sạch và rửa sạch xà phòng trước khi vào, và bồn tắm không được xả cho đến khi mọi người đã tắm xong.
Nhà vệ sinh ngồi xổm từng là tiêu chuẩn trong các ngôi nhà Nhật Bản, người ta gọi là kiểu waseki. Nhưng ngày nay, chúng đã được thay thế bằng các thiết bị công nghệ cao với ghế sưởi và các tính năng khác.
Ngủ kiểu truyền thống
Giờ thì người ta ngủ trên giường nhiều rồi, nhưng kiểu nằm đệm (futon) truyền thống ngay dưới sàn vẫn được ưa chuộng. Một cuộc khảo sát năm 2013 của Nifty cho thấy 50% người được hỏi ngủ trên futon trải trên chiếu tatami.
Khi ngủ dậy, người ta gập futon lại, cất luôn vào tủ, tạo thêm không gian cho các phòng. Và họ cũng rất thường xuyên đem futon ra phơi nắng, giúp chúng mềm mại và thoải mái khi ngủ.
Có người nói rằng, những ngôi nhà ở Nhật Bản được xây dựng để cho những làn gió đi qua và làm mát cho người dân trong cái nóng ngột ngạt của mùa hè. Ngược lại, điều này khiến mùa đông trở nên lạnh lẽo, khó chịu ngay cả khi ở trong nhà.
Ngày nay, một số ngôi nhà truyền thống đã được tân trang lại để nó có thêm các tiện nghi hiện đại. Nhưng có nhiều căn lại được chuyển đổi thành nhà nghỉ ryokan hoặc minshuku. Đối với nhiều khách nước ngoài tới du lịch Nhật Bản, lưu trú trong một chỗ ở truyền thống là một cách tốt để trải nghiệm những nét quyến rũ trong văn hoá Nhật Bản.
* Một tấm chiếu tatami truyền thống có kích thước là 6 shaku x 3 shaku, sử dụng đơn vị đo của Nhật Bản, tạo ra kích thước 1.653m2. Nhưng có rất nhiều kích thước tatami khác nhau được sử dụng trên khắp Nhật Bản. Danchima tatami được sử dụng trong các đơn vị nhà ở danchi, được xây dựng vào thời hậu chiến (1.445 m2). Hay kyōma thường thấy trong các ngôi nhà cũ ở phía tây Nhật Bản, có kích thước1.824 m2. Hội đồng Thương mại Công bằng Bất động sản của Nhật Bản định nghĩa 1 jō là “ít nhất 1,62 m2” hoặc 90 cm × 180 cm, cho mục đích đo kích thước các phòng.