Bộ Môi trường của Nhật đang nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho các công viên quốc gia, tận dụng môi trường tự nhiên như một nguồn tài nguyên của ngành du lịch Nhật Bản.
Họ dự đoán, nhu cầu sẽ ngày càng tăng từ khách du lịch nước ngoài, cũng như những người có điều kiện tài chính lớn trong nước. Đầu tiên, bộ Môi trường Nhật Bản lên kế hoạch lựa chọn các khu vực lý tưởng cho mùa xuân tới, nơi các du khách có thể trải nghiệm và tận hưởng thiên nhiên với các gói tour chất lượng cao, lưu trú tại khách sạn sang trọng.
Sẽ có từ 3 tới 4 công viên quốc gia được chọn làm ứng cử viên, rồi thu hẹp xuống còn 1 hoặc 2 vào cuối năm 2023. Bước tiếp theo, Bộ sẽ quyết định các vị trí kiểu mẫu trong các công viên được chọn, và bắt đầu kêu gọi các doanh nghiệp, các doanh nghiệp về lưu trú tới hoạt động ở đó.
Họ hi vọng sẽ sớm thành công với những công viên đầu tiên được chọn này, và có thể sẽ áp dụng mô hình đó trong việc xây dựng thương hiệu cho các công viên quốc gia nói chung.
Theo Luật Công viên quốc gia của Nhật (nay là Luật Công viên Tự nhiên) ban hành năm 1931, Bộ trưởng Môi trường sẽ chỉ định các công viên quốc gia được bảo tồn và được chính quyền trung ương quản lý. Đây là một biện pháp bảo vệ thiên nhiên đặc biệt của Nhật. Cho tới nay, đã có 34 công viên được bảo tồn như vậy trên khắp Nhật Bản.
Năm 2016, chính phủ Nhật Bản xác định, các công viên quốc gia phải là một trong những trụ cột của “Tầm nhìn du lịch, hỗ trợ tương lai của Nhật Bản”.
Một số ý kiến cho rằng nhiều công viên quốc gia ở Nhật Bản chưa được tận dụng triệt để như một nguồn tài nguyên du lịch. Tại các công viên quốc gia ở châu Âu và Mỹ, du khách có thể nghỉ tại những khách sạn sang trọng và đăng ký nhiều chương trình trải nghiệm thiên nhiên.
Ở Nhật, khách sạn Oirase Keiryu của Hoshino Resorts (tỉnh Aomori), nằm dọc theo hẻm núi Oirase trong Công viên Quốc gia Towada-Hachimantai. Doanh nghiệp này cung cấp cho khách du lịch các chuyến tham quan có hướng dẫn viên tới hẻm núi, nơi có hơn 300 loài rêu hoang dã. Khách sạn cho biết, các gói tour du lịch như vậy là được đông đảo khách du lịch lựa chọn.
Theo Bộ Môi trường, số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm các công viên quốc gia đạt 6,67 triệu trong năm 2019 (trước đại dịch), tăng mạnh so với 4,9 triệu của năm 2015.
Tomohiko Sawayanagi, giáo sư ngành quản lý khách sạn tại Đại học Rikkyo cho biết: “Nhật Bản đã không tích cực quảng bá môi trường tự nhiên nổi bật của mình. Việc sử dụng các vườn quốc gia làm tài nguyên cho ngành du lịch là rất phù hợp để tăng lượng du lịch nước ngoài không chỉ về số lượng, mà còn về chất lượng.”
Rất hi vọng chúng ta sẽ sớm được trải nghiệm những tour du lịch thế này, nhất là khi tiền Yên đang hạ rất mạnh. Du lịch Nhật Bản với giá rẻ, tại sao không?
Tại Việt Nam, những nỗ lực tìm kiếm nguồn tài nguyên môi trường làm điểm du lịch thường không được thực hiện, và nó chỉ được sử dụng khi người ta tự nhiên phát hiện ra. Có thể ví như hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình. Còn các địa điểm hoang sơ ở Việt Nam được nhiều du khách tìm tới lại trở thành con mồi béo bở cho các doanh nghiệp xông tới, tàn phá cảnh quan tự nhiên bằng những khách sạn, biệt thự lòe loẹt. Sapa là một ví dụ không thể rõ ràng hơn.