Người ta nói, Nhật Bản là vùng đất của rất nhiều sự bất ngờ, không chỉ riêng với người Việt Nam. Có người còn mô tả như “họ làm quá khác so với những gì tôi vẫn nghĩ và làm”. Và chính điều đó tạo ra một nền văn hoá, với những phong tục độc đáo, khiến nó trở thành một quốc gia đủ hấp dẫn bất cứ ai muốn khám phá. Chẳng thế mà, du lịch Nhật Bản luôn làm người ta thấy háo hức. Văn hoá thời trang khác biệt, những phát minh sáng tạo, những truyền thống cổ xưa tồn tại qua nhiều thế kỷ, sự pha trộn giữa phương Tây và phương Đông…
Và cái gì tạo nên những điều đó nếu bỏ qua một yếu tố quan trọng, giáo dục!
Giáo dục đối với bất cứ quốc gia nào cũng rất quan trọng, nhưng chỉ là hình thức hay thực sự là thực chất thì không hề giống nhau. Cuối những năm 1800, các nhà lãnh đạo thời kỳ Minh Trị đã thiết lập một hệ thống giáo dục công lập, từ đó tăng đáng kể tỷ lệ người biết chữ của Nhật Bản. Ngay cả thời kỳ Edo trước đó, cũng đã có hơn 70% trẻ em được tới trường. Ngày nay, người ta thống kê được, 99% người dân Nhật Bản có thể đọc và viết, trường học được coi là bước đệm quan trọng trong giai đoạn đầu đời của mỗi người.
Giữa những điểm tương đồng với hệ thống giáo dục tại Việt Nam như đồng phục học sinh, các kỳ thi và điểm số, thì hệ thống giáo dục tại Nhật Bản có những khác biệt khiến bạn phải ngạc nhiên. Khác biệt đến ngay từ những thứ bạn tưởng là giống nhau. Với hệ thống giáo dục của riêng mình, nước Nhật đã nhào nặn giới trẻ của mình trưởng thành hơn, bước chân vào xã hội một cách hài hoà như ngày nay.
Hãy thử trải nghiệm một chút về cuộc sống học đường Nhật Bản, xem chính xác nó diễn ra thế nào! Rồi thử so sánh với lúc bạn đến trường lúc xưa thế nào nhé.
1. Học sinh không thể bị đuổi ra khỏi lớp
Hãy đối mặt: trẻ em là trẻ em. Bất kể chúng đến từ nền văn hóa hay quốc gia nào, sẽ luôn có hai hoặc ba (nếu không phải là toàn lớp) có xu hướng thỉnh thoảng cư xử sai lầm, nghịch ngợm! Đó là một trong nhiều thách thức mà giáo viên phải đối mặt trên lớp.
Ở nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam, việc giáo viên có xu hướng đuổi học sinh có hành vi không đúng mực ra khỏi lớp học là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đó là điều tối kỵ trong các trường học Nhật Bản. Điều 26 của Hiến pháp Nhật Bản quy định: Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng nền giáo dục bình đẳng… Và vì thế, giáo viên Nhật không dám đuổi học sinh ra khỏi lớp học. Do đó, các giáo viên Nhật Bản phải quen với việc giữ bình tĩnh, trong khi tiếp tục bài giảng.
Cần phải kiên nhẫn! Bọn trẻ có thể bị bỏ lỡ những điều cần học khi bị đưa ra ngoài, chuyện đó là không thể để xảy ra ở các trường học Nhật Bản.
2. Mọi người cùng ăn bữa trưa, và học sinh là nhân viên phục vụ
Một sự thật thú vị ở các trường công tại Nhật Bản, đó là mọi người đều ăn cùng một bữa giống nhau. Giống như ở nhiều quốc gia khác, học sinh có thể lựa chọn giữa việc mua đồ ăn tại cửa hàng hoặc mang theo hộp cơm của riêng mình. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, học sinh được đào tạo để ăn cùng một loại bữa ăn (bất kể sở thích của họ), và hoàn thành trong thời gian cho phép. Hầu hết các trường công lập Nhật Bản không có nhà ăn, nơi có thể mua đồ ăn, vì vậy học sinh không có cơ hội tự mua bữa ăn của mình, nhưng được phép dùng hộp cơm tự làm trong một số trường hợp nhất định, miễn là nội dung tuân thủ nội quy của trường. Thường thì quy định cho “bento” là không chứa thực phẩm không lành manh hoặc đồ ngọt. Bữa trưa tự làm thường bao gồm cơm, rau, một số loại cá, rong biển và đôi khi là thịt gà.
Lần đầu tiên mình trải nghiệm bữa trưa ở trường Nhật Bản, mình đã rất ngạc nhiên khi biết rằng học sinh có trách nhiệm lấy bữa ăn của mình từ khu vực ăn trưa của trường, và phục vụ chúng cho bạn cùng lớp, trong khi đeo khẩu trang trắng, mặc áo choàng nhà bếp và đeo băng. Sau bữa trưa, chúng cũng chịu trách nhiệm dọn dẹp và trả lại hộp đựng bữa ăn – tất cả đều dưới sự giám sát của giáo viên. Đó chính là cách người ta dạy lũ trẻ biết cách phục vụ người khác, biết chịu trách nhiệm giữ vệ sinh môi trường ngay từ khi còn nhỏ.
3. Học sinh và giáo viên cùng ăn trong lớp học
Ngoài những điểm ở phần trên, một điều lạ nữa là, giáo viên sẽ ngồi ăn cùng học sinh thành các nhóm. Và lũ trẻ cũng chẳng được chọn nhóm để ngồi ăn đâu. Và bàn ghế được sắp xếp để ngồi đối diện nhau. Điều này đặc biệt diễn ra tại các trường trung học cơ sở. Thường thì ở Việt Nam, chúng ta sẽ không cho phép ăn uống ở trong lớp, và cũng chẳng bao giờ thấy cảnh giáo viên ngồi ăn cùng học sinh, trừ lúc liên hoan. Bạn có nhận ra điều gì không?
Có lẽ các bạn sẽ thấy, “Ồ, như vậy hơi độc tài. Sao không cho lũ trẻ được thưởng thức bữa theo cách chúng muốn?”. Tuy nhiên, có lẽ các bạn sẽ nhận ra, lũ trẻ thường có xu hướng kết hợp với những đứa bạn thân. Còn cách này thì sẽ giúp chúng hoà nhập và tương tác với mọi đứa trẻ khác trong lớp, không chỉ bạn thân chúng. Cũng hay đấy chứ!
4. Học sinh không thể không lên lớp
Điều này có làm bạn sốc không? Không chỉ riêng bạn! Đây có lẽ là đặc quyền vinh quang nhất mà một học sinh có thể có trong đời.
Ở một số quốc gia và Việt Nam, những học sinh không đạt thành tích tốt có thể sẽ bị ở lại lớp, học lại để nâng cao hơn nữa kỹ năng của mình. Ở Nhật khác đấy, bọn trẻ sẽ luôn lên lớp bất kể điểm thi và thành tích của chúng như thế nào. Một học sinh có thể trượt mọi bài kiểm tra, nhưng vẫn có thể tham gia lễ tốt nghiệp vào cuối năm. Điểm thi của chúng chỉ quan trọng khi thi đầu vào để vào bậc Trung học phổ thông và Đại học.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ em Nhật Bản không cần phải chăm chỉ! Lũ trẻ chăm chỉ học chữ kanji trong tiếng Nhật để chúng có thể đọc được số lượng từ mong đợi ở độ tuổi phù hợp, cũng như các môn học khác của chúng.
5. Không có nhân viên lao công
Ở Nhật Bản, các trường học hầu như không không có chỗ đứng cho nhân viên lao công. Thay vào đó, học sinh xắn tay áo và dọn dẹp từng khu vực trong khuôn viên trường, kể cả nhà vệ sinh. Không chỉ thế, kể cả giáo viên, nhân viên nhà trường, ngay đến những lãnh đạo cấp cao nhất của trường như phó hiệu trưởng, hiệu trưởng đều phải dọn dẹp vệ sinh, mỗi người được phân công khu vực riêng.
Thời gian làm việc dọn dẹp này họ gọi là Souji Time (掃除ターム). Một số học sinh đội tenugui (khăn rằn) trên đầu. Trước khi bắt đầu việc dọn dẹp, lũ nhóc ngồi im lặng trong vài phút để thiền định, điều hoà tâm trí và cơ thể, được gọi là “mokuso”.
Thông qua thực tiễn trường học độc đáo này, học sinh không chỉ được đào tạo để dọn dẹp cho bản thân, mà còn trở thành những thành viên có trách nhiệm trong xã hội. Khái niệm thuê người dọn dẹp trường học đối với người Nhật là hoàn toàn xa lạ.
6. Thầy trò vẫn hoạt động trong kỳ nghỉ học
Trong kỳ nghỉ hè ở Nhật Bản, giáo viên thực sự không được nghỉ phép, ngoại trừ những ngày quốc lễ, họ vẫn tiếp tục làm việc tại trường. Điều này giống với ở Việt Nam.
Với các học sinh ở trường trung học cơ sở, chúng là những thành viên của các câu lạc bộ mà chúng muốn, và thường xuyên hoạt động. Còn các câu lạc bộ này thì được giám sát bởi chính giáo viên. Và vì thế một số hoạt động nhất định như tập luyện thể thao sẽ tiếp tục trong suốt kỳ nghỉ.
Còn nữa! Ngoài ra, học sinh cũng được giao rất nhiều bài tập về nhà, và phải hoàn thành trong kỳ nghỉ!
7. Dùng một loại cặp sách và dép riêng trong phòng
Các trường học Nhật Bản yêu cầu học sinh đi dép riêng trong phòng thuộc khuôn viên trường để giữ sạch sẽ và ngăn bụi bẩn mang vào bên trong. Ngoài ra, Nhật Bản nổi tiếng là vùng đất của sự hài hòa, nơi mọi người đều thực hiện theo một tiêu chuẩn giống nhau, không ai nổi bật hơn ai. Đừng mong nhìn thấy một học sinh tại đây để có thể xác định, bé nào con nhà giàu có, bé nào nhà nghèo. Tất cả bọn chúng đều mặc một loại đồng phục, đi cùng một loại giày. Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân như ở phương Tây đâu.
Ở trường trung học, cặp sách buộc phải dùng đúng loại do nhà trường cấp, có in logo của trường, có vạch phản quang an toàn để tránh tai nạn giao thông đường bộ vào ban đêm, vì hầu hết học sinh đi xe đạp hoặc đi bộ, và về muộn. Tương tự như vậy, học sinh tiểu học cũng sử dụng ba lô đồng phục của riêng mình được gọi là randoseru (ランドセル). Loại randoseru này hiện được khá nhiều cửa hàng tại Việt Nam nhập về bán, giờ thì có cả hàng fake, người ta gọi là “cặp chống gù”
Điều này khiến cho bất cứ học sinh nào cũng là một phần của nhóm và đại diện của toàn trường. Các trường học có nhiều quy định khác nhau liên quan đến đồng phục, và điều học sinh được phép. Ví dụ, việc nhuộm tóc bị nghiêm cấm, rồi học sinh không được đeo khuyên tai, hoặc trang điểm nhiều.
8. Hoạt động câu lạc bộ trước và sau giờ học
Sinh viên là thường là thành viên của câu lạc bộ thể thao, có các hoạt động cả trước và sau giờ học. Một số câu lạc bộ còn có những hoạt động như phải chạy vài km mỗi ngày để giữ dáng. Điều này thường dẫn đến các học sinh mệt mỏi, buồn ngủ, chưa kể đến việc đổ mồ hôi trong giờ học. Vì tất cả đều phải thức dậy rất sớm và trở về nhà muộn, để hoàn thành các cam kết hoạt động tại câu lạc bộ mà chúng tham gia. Nghe có vẻ như rất nhiều công việc khó khăn, cần phải có sự kiên trì, sự cam kết và lòng quyết tâm!
Các câu lạc bộ rất phổ biến, hầu hết lũ trẻ đều tham gia, hay làm việc gì đó khác. Chúng rất tự hào về câu lạc bộ mình, và hoạt động chăm chỉ để theo kịp những gì câu lạc bộ mong đợi.
9. Trường học ở Nhật Bản không hiện đại như bạn nghĩ
Nhật Bản có thể là một trong những quốc gia tiến bộ nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng bạn có thể suy nghĩ lại nếu có cơ hội nhìn thấy bên trong một trong những ngôi trường. Trong nhiều trường hợp, giấy bút vẫn được ưa chuộng hơn các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, công nghệ đã dần tìm đường vào trường học để giúp cải tiến tài liệu giảng dạy, cải thiện cơ sở vật chất.
Thêm nữa, dù công nghệ có len lỏi vào các trường, nhưng không phải trường nào cũng có thiết bị công nghệ cao và đời mới nhất mà người nước ngoài có thể suy nghĩ, do danh tiếng về công nghệ của Nhật Bản. Đặc biệt là các trường cũ, họ đã không nâng cấp gì cả trong nhiều năm! Tình trạng máy sử dụng đầu đĩa CD, máy in, máy fax lạc hậu vẫn còn hiện rõ ở nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước. Rồi thay vì điều hòa, quạt điện là trang thiết bị thông gió được sử dụng phổ biến nhất để tiết kiệm điện. Vào mùa đông, hệ thống sưởi trung tâm rất hiếm, và trong hầu hết các trường hợp, chỉ có máy sưởi dầu hỏa.
Hơn nữa, các lớp học vẫn thường được dạy bằng cách sử dụng tài liệu truyền thống với sách giáo khoa là trọng tâm chính. Tuy nhiên, công nghệ đang dần xâm nhập vào hệ thống, với internet và máy tính dần được đưa vào thuyết trình trong lớp ở một số trường học. Các trường học kiểu cũ của Nhật Bản cũng bắt đầu dần được cải tạo.
10. Ngủ gật trong lớp
Với bài tập về nhà và các bài tập trong kỳ nghỉ, rồi lại các hoạt động câu lạc bộ của trường, kể cả vào cuối tuần, và việc dọn dẹp toàn trường, việc học tập tại Nhật Bản khá vất vả, và cần quyết tâm. Ngoài việc học sinh tham gia các hoạt động câu lạc bộ trước và sau giờ học, hầu hết các em còn đến trường “juku”, hoặc các trường luyện thi để có thể học một số môn khó hơn, học thêm ngoại ngữ khác. Mỗi ngày, chúng cũng được giao cho một đống bài tập về nhà, khiến chúng có rất ít thời gian để nghỉ ngơi và ngủ.
Kết quả là, khi không còn chống chọi được với sự mệt mỏi, chúng sẽ có xu hướng ngủ gật trong giờ học. Không sao cả, các giáo viên ở Nhật thường có xu hướng thông cảm và để mặc cho chúng ngủ. Vì họ cũng chẳng làm được gì, sao có thể ép những đứa trẻ gắng hé mắt học được gì chứ? Nên bạn cũng đừng ngạc nhiên nhé. Mặc dù giáo viên có thể nhắc học sinh chú ý một hai lần, nhưng sẽ không bao giờ có việc lũ trẻ bị khiển trách vì ngủ trong lớp đâu.
Qua một chút góc nhìn trong cuộc sống hàng ngày của học sinh tại các trường công lập tại Nhật Bản, chắc bạn đã hiểu phần nào, cái gì đã hun đúc nên một xã hội hài hoà tại Nhật Bản như ngày nay. Nó không hề giống như những gì bạn thấy trong anime của Nhật đâu. Dù sao thì, cuộc sống học đường với nhiều kỷ luật, sự vất vả như vậy sẽ tạo ra những con người chăm chỉ, quyết tâm. Bạn nghĩ sao?
Những gì mình viết lại trong bài này không đại diện cho hình ảnh toàn bộ nên giáo dục Nhật Bản. Chắc chắn cũng sẽ có những thứ mình chưa được nhìn thấy, chưa được trải nghiệm, nên sẽ có sự thiển cận riêng. Rất hi vọng sẽ có những bạn chia sẻ thêm. Cảm ơn các bạn đã đọc!